Thứ hai, 05/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao bị bạo lực gia đình
15:41 - 22/12/2020
(Cổng ĐT HND) – Từ nhiều năm nay, trong các gia đình, nhà trường và cả xã hội vẫn đang xảy ra khá nhiều vụ việc bạo lực đối với trẻ em. Nếu như tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra thường xuyên thì sẽ dẫn tới cái vòng luẩn quẩn "bạo lực sinh ra bạo lực" khi những đứa trẻ ấy trưởng thành. Thế nhưng, rất ít người có đủ kiến thức và kỹ năng để nhận diện được rõ ràng vấn nạn này.

Những con số thống kê mới chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" (Ảnh minh họa)

 

Các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra một quy luật rằng nếu như những đứa trẻ có tuổi thơ bị ngược đãi thì khi lớn lên, đứa trẻ đó cũng sẽ xuất hiện hành vi ngược đãi đối với những người khác; kể cả khi đó là những đứa con do chính mình đẻ ra. Thậm chí, con người sẽ có thể trở nên vô cảm ngay cả khi đã gây ra những vụ việc mang lại hậu quả xấu hoặc tỏ ra vô trách nhiệm với chính cuộc đời của mình.
 

Tất nhiên, mục đích dạy dỗ con cái của những bậc làm cha mẹ là chính đáng, và nó cũng rất khác so với mục đích của những kẻ bạo hành. Các bậc làm cha mẹ thường sẽ đưa ra những lý lẽ riêng để bảo vệ cho quan điểm giáo dục của mình. Song, có một vấn đề và câu hỏi lớn được đặt ra ở đây đó là: Cần phân biệt thế nào giữa ranh giới của "yêu cho roi cho vọt" và hành vi bạo hành, ứng xử bằng bạo lực với trẻ?
 

Bạo lực trẻ em trong gia đình có thể hiểu là tình trạng trẻ em bị người trong gia đình hành hạ, đánh đập, tác động cả vào tinh thần và thể xác gây tổn thương nghiêm trọng đến đời sống tình cảm và sức khỏe của trẻ.

Đối với những đối tượng cụ thể là trẻ em- vốn được xem là không có khả năng tự vệ, còn rất non nớt về nhận thức và yếu ớt về thể lực thì ranh giới giữa việc bạo hành với việc dạy dỗ trong nhiều trường hợp lại trở nên rất mong manh. Nạn bạo hành đối với trẻ em thậm chí đã đi quá xa, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

 

Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước; điều đau lòng hơn đó là những vụ việc này diễn ra ngay trong gia đình của các em, do chính những người thân của các em gây ra. Nhẹ thì là những lời mắng chửi hoặc dùng lời lẽ để đay nghiến, xúc phạm các em; nặng nề hơn là dùng vũ lực đòn roi. Đáng sợ hơn là đã xuất hiện cả những biện pháp tra tấn dã man như thời trung cổ, với các vật dụng vô cùng nguy hiểm (nước sôi, roi sắt, cùm xích…).
 

Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy đã đưa ra xét xử và tuyên phạt đối tượng Trần Hoài Nam trú tại phường Nghĩa Đô- quận Cầu Giấy- thành phố Hà Nội cùng với người vợ kế của mình (tên Trinh) tổng cộng mức án lên tới hơn 11 năm tù về các tội: Hành hạ người khác và cố ý gây thương tích.
 

Theo cáo trạng truy tố tại tòa, suốt trong khoảng thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 12/2017, cả Nam và Trinh là những người trực tiếp có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu K (con của Nam với người vợ đầu). Thế nhưng, các bị cáo đã không làm tròn trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ mà còn thường xuyên chửi mắng, đánh đập, gây đau đớn cả về thể xác và tinh thần cho cậu bé. Thậm chí, tệ hại hơn khi cả hai đã không cho K đi học trong một thời gian dài khiến tâm lý của cháu bé bị ảnh hưởng và có thể dẫn đến tình trạng phát triển không bình thường về sau này.
 

Mỗi khi cháu K mắc lỗi, hai bị cáo không hề nhắc nhở, dạy dỗ mà lại trừng phạt bằng các biện pháp phản giáo dục, trái đạo đức xã hội như: Bắt phạt con phải uống nước mắm; bắt đứng ngoài ban công nhiều giờ đồng hồ; cho ngủ dưới nền nhà... Tàn nhẫn hơn, các bị cáo đã nhiều lần dùng tay chân, muôi inox, móc áo bằng nhôm để quật vào người cháu K khiến khắp trên cơ thể cháu đầy những vết thương tích. Cơ quan chức năng sau khi tiến hành kiểm tra đã xác định mức độ tổn hại sức khỏe của cháu bé lên tới 25%.
 

Sự việc trên cũng chỉ được phát hiện khi cậu bé khốn khổ tìm mọi cách trốn thoát được khỏi ngôi nhà bị bố và mẹ kế giam giữ để tìm về nhà ông bà nội cầu cứu. Do thường xuyên bị đánh đập dã man, bị bỏ đói, từ một đứa trẻ khỏe mạnh cân nặng từ 40 kg, K giảm xuống còn có 20 kg, đến mức ngay chính người thân trong gia đình em cũng không thể nhận ra. Bản thân mẹ đẻ của em cũng bị chồng cũ tìm mọi cách để gây cản trở, không được gặp mặt con trai trong suốt quãng thời gian em bị hai kẻ vô đạo đức kia bạo hành.
 

Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội Facebook đang lan truyền chóng mặt một đoạn clip (dài hơn 2 phút), do một người đàn ông tự livestream trong clip để diễn cảnh mình ép cô con gái mới 3 tuổi uống thuốc độc vì giận vợ. Trong đoạn clip này, người đàn ông liên tục đe dọa, ép bé gái uống bằng được ly nước mà người này cho là thuốc trừ sâu.

 
Đến tối 20/12/2020, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận một trường hợp là bé N.H. (3 tuổi) được đối tượng V.T. (32 tuổi, quê ở tỉnh Kiên Giang) đưa đến cấp cứu và nói là bị người lạ ép uống thuốc trừ sâu nên được đưa tới bệnh viện súc rửa ruột để cấp cứu. Tuy nhiên, phía bệnh viện xác định không ngửi mùi thuốc trừ sâu như người đàn ông này thông báo. Tình cờ, nhân viên bệnh viện phát hiện đối tượng V.T. và bé H. chính là nhân vật trong clip cha ép con uống thuốc độc mới được đăng tải trên mạng xã hội nên phía bệnh viện đã ngay lập tức trình báo tới cơ quan công an để nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ. Vụ việc hiện đang được công an huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) thụ lý điều tra để xác minh thực hư câu chuyện.

 
Tuy nhiên, khi xem đoạn clip nêu trên, nhiều người đã kịch liệt lên án hành động của người đàn ông khi cố ép bé gái uống chai nước nghi là thuốc độc như vậy. Đây chính là hành vi xâm hại hết sức nghiêm trọng đến cả tinh thần, tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Vì thế, cần phải được làm rõ và xử lý nghiêm nhằm tránh những vụ việc tương tự xảy ra.

 
Trước đó, ngày 28/8/2020 Tòa án nhân dân quận 9, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra xét xử bị cáo Châu Minh Tiến (29 tuổi) về tội "cố ý gây thương tích". Bị hại trong vụ việc này lại chính là bé C.M.K- là con ruột của Tiến, mới được hơn 4 tháng tuổi. Theo kết quả giám định, cháu K. bị gãy chân, mặt bầm tím và nhiều vết bầm khác trên cơ thể, tỉ lệ thương tật tới 37%.

 
Tại tòa, nhiều lần được hỏi về lý do đánh con trai ruột của mình, Tiến đều khai rằng đánh con phần vì nhậu xỉn, phần vì bực tức do vợ không nghe lời, con lại quấy khóc không dỗ được. Trả giá cho hành động nhẫn tâm của mình, Tiến bị tòa tuyên mức án 6 năm 6 tháng tù giam, khoảng thời gian đủ lâu để người cha này ăn năn trước những hành vi nhẫn tâm của mình đối với đứa con bé bỏng. 

 
Theo thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, ước tính trung bình mỗi năm, cả nước có từ 3.000- 4.000 vụ bạo lực với trẻ em được các ngành chức năng phát hiện và xử lí. Trong đó, có khoảng 1.000 vụ trẻ em bị hiếp dâm, khoảng 100 vụ trẻ em bị giết hại…

 
Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội cho thấy tại khá nhiều địa phương, vấn nạn trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích đang chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67,6%, Hà Nội 51,9%, Bà Rịa Vũng Tàu 33%...

 
Bên cạnh đó, thông qua số điện thoại đường dây nóng 111- là Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê cho thấy: Trung bình mỗi tháng, các chuyên gia tư vấn của Tổng đài 111 đã tham gia tư vấn, can thiệp khoảng 200- 300 cuộc gọi liên quan đến vấn đề bạo hành, xâm hại trẻ em. Số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.

 
Đáng chú ý, trong thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua cho thấy sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu... đã làm gia tăng tình trạng bạo lực gia đình, nhất là ở trẻ em và phụ nữ. Cụ thể, chỉ tính riêng trong thời điểm tháng 4/2020 (là khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp; trong đó, hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.

 
Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới và Việt Nam, bạo lực trẻ em trong gia đình ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình phát triển thể chất và trí tuệ đối với trẻ. Khi chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ sẽ trong tình trạng luôn căng thẳng, sợ hãi, tâm lý tiêu cực, thiếu tập trung. Nhiều trẻ không có khả năng chơi tích cực, lẩn tránh các mối quan hệ với các bạn, sống khép kín. Có những trẻ lại theo chiều hướng thích gây rối, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy… thậm chí học theo hành vi của người lớn, có hành vi bạo lực đối với người khác. Trẻ bị bạo hành hoặc chứng kiến bạo lực gia đình thường có xu hướng thiếu tin tưởng vào người lớn; có em bỏ nhà ra đi; chán nản, có ý nghĩ tự tử thậm chí có em đã tự tử...

 
Một đứa trẻ bị lạm dụng sẽ sống trong nỗi sợ hãi và đau đớn liên tục trong thời gian rất dài. Tuy vết thương trên thân xác có thể được chữa lành, song vết thương trong tâm hồn sẽ dai dẳng, kéo dài suốt cuộc đời các em. Trẻ em là nhân chứng thường xuyên của bạo lực, sẽ có những ảnh hưởng sâu xa trong tiềm thức, điều này khiến cho đứa trẻ dễ học theo và trở thành một người bạo lực hoặc nạn nhân của bạo lực trong tương lai; vòng luẩn quẩn bạo lực từ đó cứ tiếp tục diễn ra và khó chấm dứt.

 
Để góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình đối với trẻ em rất cần thiết phải nâng cao nhận thức của cả xã hội bằng việc đẩy mạnh truyền thông, cung cấp kiến thức về ảnh hưởng của bạo lực đối với trẻ em, xác định trách nhiệm của gia đình, xã hội, cộng đồng trong chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái. Chính quyền các địa phương cần quan tâm, chăm lo cho trẻ em hơn nữa. Đặc biệt, cộng đồng xã hội không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực. Phải khẳng định mạnh mẽ bạo lực trẻ em là không thể chấp nhận được nhưng có thể ngăn chặn được. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực là trách nhiệm của tất cả mọi người. Hãy lên tiếng chống lại bạo lực trẻ em, không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.

 

Thanh Tâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá