 |
Trên cả nước đã thành lập và duy trì Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng (Ảnh minh họa - nguồn: Báo Dân sinh) |
Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị BLGĐ là nơi chăm sóc, tư vấn, tạm lánh, hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 26 Luật PCBLGĐ 2007. Theo đó, cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ bao gồm: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở bảo trợ xã hội; cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ; địa chỉ tin cậy ở cộng đồng.
Trong tháng 4/2020 (thời gian thực hiện giãn cách xã hội), Tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (Tổng đài 1900969680) đã tiếp nhận gần 350 cuộc gọi của những người phụ nữ cần hỗ trợ, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2019; công tác phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương để tham vấn, tư vấn và giải quyết khẩn cấp cho các trường hợp phụ nữ cần hỗ trợ về bạo lực cũng tăng lên 40% (có 30 trường hợp giải cứu khẩn cấp); hơn 500 người đến tham vấn trực tiếp tại Phòng Tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (tăng 48%).
Ngoài ra, số phụ nữ tìm đến các Ngôi nhà bình yên trong thời gian này là 72 người (tăng 80% so với cùng thời điểm năm 2019). Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 đã tiếp nhận 750 cuộc gọi đề nghị trợ giúp, trong đó, hơn 200 cuộc cần sự can thiệp về BLGĐ, xâm hại trẻ em và những vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý.
Từ sau khi Việt Nam ký Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW), vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới và BLGĐ được đặc biệt quan tâm. Ngoài việc ban hành các văn bản qui phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới thì các mô hình can thiệp PCBLGĐ; mô hình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới; xây dựng gia đình hạnh phúc đã và đang phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò vị trí của gia đình, nhận thức về pháp luật, đặc biệt nắm rõ được các hành vi vi phạm bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc ngăn ngừa và phòng chống bạo lực.
Thực hiện dự án hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai, trên cả nước đã thành lập và duy trì Mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở cộng đồng tại 63 xã của 63 tỉnh, thành phố; 08 mô hình Cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các Trung tâm Công tác xã hội và Nhà Bình yên; 10 Mô hình Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ thực hiện cung cấp dịch vụ bình đẳng giới; 18 mô hình CLB hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài; 06 mô hình Trường học an toàn, không bạo lực. Các mô hình bước đầu đã được các địa phương, đơn vị triển khai hiệu quả, góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trong bối cảnh Covid -19, các mô hình đã tích cực, chủ động đảm bảo tính sẵn có các dịch vụ để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực một cách tốt nhất.
Cùng với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã xây dựng Mạng lưới quốc gia PCBLGĐ với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan và các tổ chức phi chính phủ. Mạng lưới đã tạo ra diễn đàn để các bên liên quan thông tin, chia sẻ bài học kinh nghiệm, xây dựng các chương trình hoạt động chung nhằm tăng hiệu quả cách tiếp cận đa ngành trong PCBLGĐ trên cơ sở giới. Từ đó, nhiều mô hình PCBLGĐ/bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng đã ra đời, góp phần hạn chế nhiều vụ việc nghiêm trọng.
Hiện nay, có nhiều mô hình hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới/BLGĐ đang được triển khai, gồm: Các địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh tại cộng đồng; mô hình Cơ sở trợ giúp nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới triển khai tại Trung tâm Công tác xã hội/Bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ngôi nhà Bình Yên thuộc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển; mô hình Địa chỉ tin cậy-Nhà tạm lánh tại cộng đồng; Nhà tạm lánh của tổ chức Hagar (tại Hà Nội), Nhà tạm lánh của Quỹ Rồng Xanh (Hà Nội); Nhà nhân ái (Lào Cai); Nhà Mở (An Giang)… |
Tại Quảng Ninh, đến năm 2020, toàn tỉnh có 742 địa chỉ tin cậy, 468 cơ sở tư vấn, 28 cơ sở bảo trợ xã hội, 118 cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Tỉnh cũng hợp tác với một số tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động phòng, chống bạo lực giới đã góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới.
Các xã phường, thị trấn đã xây dựng, triển khai mô hình nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, như: Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh; hỗ trợ phụ nữ bị ép kết hôn với người nước ngoài; phòng, chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép kết hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số; CLB nữ công nhân nhà trọ; CLB giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh...
Cùng với đó, mô hình phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp tục duy trì, triển khai có hiệu quả. Từ năm 2016-2019 đã tư vấn, can thiệp hỗ trợ, hỗ trợ khẩn cấp cho 47 đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái bị lạm dụng, bị bạo hành về thể chất, tình dục và tinh thần tại các gia đình, cộng đồng trên địa bàn; tư vấn trực tiếp và qua tổng đài các vấn đề về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình cho 286 trường hợp; chăm sóc, nuôi dưỡng tại nhà tạm lánh cho 16 người (5 trẻ em đi cùng mẹ...). Năm 2019, tỉnh triển khai xây dựng “Mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” do Hàn Quốc tài trợ, tổng kinh phí trên 8,4 tỷ đồng. Mô hình đã hoàn thành, khai trương và đi vào hoạt động trong quý II/2020.
Tháng 4 năm 2020, Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội cũng đã phối hợp với UNFPA tổ chức khánh thành Ngôi nhà Ánh Dương với mô hình một cửa cung cấp tổng thể các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới. Đây là 1 trong 18 cơ sở cung cấp dịch vụ ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thí điểm triển khai; là địa chỉ an toàn cho những người bị bạo lực giới, nơi họ được cung cấp những dịch vụ hỗ trợ thiết yếu và chăm sóc kịp thời. Theo đó, nạn nhân bị bạo lực giới có thể được hỗ trợ về mặt y tế, chăm sóc các tổn thương về thể xác cũng như hỗ trợ tâm lý và đảm bảo an toàn cho nạn nhân.
Nhờ đó, giai đoạn 2011-2019, tổng số nạn nhân bị BLGĐ được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 2.162 người (nữ 1.681 người, nam 456 người); trong đó, 97% số nạn nhân đều được tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp xã hội, 95% số người có hành vi gây ra các vụ bạo lực nêu trên được tư vấn, giáo dục ở cơ sở tư vấn, tại cộng đồng; lực lượng chức năng đã xử lý 291 đối tượng (xử lý hình sự 267 đối tượng, xử lý hành chính 24 đối tượng).
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có trên 3.000 mô hình phòng chống BLGĐ. Trong đó, có 793 CLB gia đình phát triển bền vững, 1.007 nhóm phòng chống BLGĐ, 59 CLB Nam giới nói không với BLGĐ, 1.150 địa chỉ tin cậy cộng đồng, 171 điểm tạm lánh... Từ các mô hình này, ngành chức năng đã phát hiện, hòa giải kịp thời các vụ xung đột, mâu thuẫn trong gia đình; tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ thoát khỏi nguy hiểm trước mắt.
Tiêu biểu như huyện Trảng Bom có 71/71 ấp, khu phố có nhóm phòng chống BLGĐ, 80 CLB gia đình phát triển bền vững và 109 địa chỉ tin cậy cộng đồng. Trong đó, CLB Nam giới nói không với BLGĐ thị trấn Trảng Bom thành lập năm 2015 và hiện có 15 thành viên là nam giới. Các thành viên trong CLB luôn đi đầu, nêu gương hiểu và nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới và các kỹ năng ứng xử trong gia đình; đồng thời thuyết phục, vận động những nam giới khác nói không với BLGĐ. Nhờ đó, nhiều năm nay, CLB đã hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra, giúp nhiều người đàn ông hiểu được giá trị của hạnh phúc gia đình, tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết những khó khăn của mình thay vì sử dụng bạo lực.
Nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Lâm Đồng… cũng đã thí điểm thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” nhằm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả những nạn nhân (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em) bị bạo hành, xâm hại. Các mô hình này giúp cho nạn nhân của BLGĐ, người có nguy cơ bị bạo lực có nơi tạm lánh khẩn cấp, cách ly với người gây bạo lực; giúp các nạn nhân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tối thiểu ban đầu về y tế, phục hồi sức khỏe, tư vấn ổn định tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản và phòng tránh bạo lực tiếp tục tái diễn.
Có thể nói, việc duy trì và nhân rộng các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp cho người dân nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, vị trí của gia đình, nhận thức về pháp luật; đặc biệt nắm rõ được các hành vi vi phạm về bạo lực trên cơ sở giới, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng xử trong gia đình, từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực nói chung và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng.