Vấn nạn con cái bạo hành cha mẹ
17:08 - 07/12/2020
(Cổng ĐT HND) - Hiện nay, tình trạng cha mẹ già sống cô đơn, sống xa con cháu ngày càng gia tăng. Hiện tượng con cháu không chăm sóc, nuôi dưỡng ông bà cha mẹ, dồn hết trách nhiệm cho người giúp việc, trung tâm dưỡng lão; thậm chí vô lễ, đánh đập ông bà, cha mẹ không còn hiếm.
 |
Những ngưới có hành vi ngược đãi, hành hạ người thân của mình có thể bị xử lý hình sự (Ảnh minh họa) |
Tuy vậy, cho dù với bất cứ lý do gì, việc con cái đánh đập, ngược đãi, bạo hành cha mẹ già là điều không thể chấp nhận được.
Theo hướng dẫn Tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC thì đối tượng bị xâm phạm của Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình bao gồm: Ông bà, bao gồm ông bà nội, ông bà ngoại; cha mẹ, bao gồm cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế; vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình; con, bao gồm con đẻ (con trong giá thú và con ngoài giá thú); con nuôi; con rể; con dâu; con riêng của vợ hoặc con riêng của chồng; cháu, bao gồm cháu nội, cháu ngoại.
Người có công nuôi dưỡng mình là anh chị em, cô, dì, chú, bác, bà con thân thích hoặc những người khác đã hoặc đang nuôi dưỡng người thực hiện hành vi ngược đãi, hành hạ.
Những ngưới có hành vi ngược đãi, hành hạ người thân của mình có thể bị xử lý hình sự. Nếu người thực hiện hành vi bạo hành thỏa mãn các cấu thành của tội phạm đó quy định trong bộ luật hình sự thì sẽ bị bị xử lý hình sự một trong các tội sau đây: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015) với hậu quả là tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm (căn cứ vào khoản 22 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ Luật hình sự 2015) với hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 BLHS 2015) với đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể như, thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần…. bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tội bức tử (Điều 130 BLHS 2015) nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
Tội vô ý làm chết người khi gây ra hậu quả chết người với lỗi vô ý (Điều 128 BLHS 2015); hoặc tội giết người với lỗi cố ý (Điều 123 BLHS 2015). Bản chất, bi kịch con cái ngược đãi cha mẹ già xuất phát từ sự bất hiếu. Trước hết, trong quan niệm, lối sống của người Việt, cha mẹ trước hết luôn là những người hy sinh vì con cái.
Chúng ta có thể làm tất cả mọi việc vì con cái, thậm chí là để nuông chiều những thói hư tật xấu của con mà quên mất nhiệm vụ chỉ ra cho con thấy công sức lao động và sự hy sinh lớn lao ấy khó khăn đến nhường nào.
Chính vì thế, trong đầu óc các bạn trẻ đã quen với ý nghĩ, đã là cha mẹ là phải hy sinh và con cái đương nhiên được thừa hưởng những quyền lợi đó.
Hành động cha mẹ bỏ rơi con cái đáng lên án như thế nào thì chuyện con cái ngược đãi cha mẹ cũng tương tự. Trong việc này, căn cứ để xã hội “định tội” là tình mẫu tử, phụ tử.
Vốn dĩ đó là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất trong đời mà không thể thay thế được và thực tế công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ trong suốt cuộc đời người con không thể đong đếm nổi vì đó là sự hy sinh.
Vậy nhưng một bộ phận trong chúng ta đã và đang đánh mất thứ tình cảm máu thịt ấy do trong lối sống của họ, đã là cha mẹ thì phải vì con cái, khi về già, cha mẹ nhanh chóng trở thành gánh nặng và phiền toái, “ăn bám” con cái vì già yếu.
Một điều đáng bàn nữa là rất nhiều những hành vi bạo lực gia đình đối với người cao tuổi đang tồn tại nhưng không được phát hiện. Chỉ khi họ bị đẩy ra đường, bị đánh đập nguy hiểm đến tính mạng... thì xã hội mới hay biết. Bởi vậy, trách nhiệm của các cơ quan chính quyền trong việc phát hiện xử lý vô cùng quan trọng.
Ngân Kim