62,9% phụ nữ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời
(Cổng ĐT HND)- Với chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng tổ chức Lễ phát động tại TP Hải Phòng, sáng 6/11.
 |
Trẻ em cần được quan tâm và yêu thương |
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc theo Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 02/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020. Đây là năm thứ năm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì triển khai Tháng hành động.
Điểm nhấn của Lễ phát động năm nay chính là sự chung tay vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội thông qua các hoạt động thiết thực: Lễ ký cam kết hưởng ứng Tháng hành động của 6 đơn vị quân đội, tặng quà 20 gia đình tiêu biểu.
Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đã đạt được thì vẫn còn nhiều thách thức, như: Trong 62,9% phụ nữ được khảo sát cho rằng họ phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời; tình trạng mua bán phụ nữ còn diễn biến phức tạp; nạn tảo hôn vẫn khá phổ biến, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 được phỏng vấn và kết quả cho thấy ở Việt Nam hầu hết bạo lực đối với phụ nữ thường do chồng gây ra.
Nghiên cứu cũng chỉ ra ngoại trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010 và sự thay đổi tích cực này có lẽ đang diễn ra ở nhóm phụ nữ trẻ.
Ngoài ra, báo cáo cũng ước tính bạo lực đối với phụ nữ đang gây thiệt hại về kinh tế cho Việt Nam ước khoảng 1,8% GDP năm 2018.
Một số phát hiện chính từ điều tra năm 2019 như sau:
Cứ 03 phụ nữ thì có gần 02 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).
Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ.
Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này.
Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi.
Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 01 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%).
Cứ 10 phụ nữ thì có 01 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan).
Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.
Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.