Tỉ lệ bạo hành về kinh tế tuy nhỏ nhưng để lại hậu quả lớn
15:09 - 05/10/2020
(Cổng ĐT HND) – Xét trong phạm vi của từng xã hội, mỗi gia đình chính là một tế bào, là hình thức thu nhỏ của xã hội. Do đó, tình trạng bạo lực gia đình cũng có thể coi là hình thức thu nhỏ của bạo lực xã hội, diễn ra với nhiều dạng thức khác nhau. Từ lâu nay, bạo lực gia đình luôn là một “cơn sóng ngầm”, vẫn hiện hữu từng ngày và đang tàn phá nhiều tổ ấm. Nguyên nhân bởi chính những người trong cuộc nhiều lúc cũng còn chưa hiểu hết hoặc chưa nhận diện thật đầy đủ về vấn nạn này.
 |
Bạo hành kinh tế hay bạo lực về kinh tế là một dạng bạo hành không nhìn thấy được (Ảnh minh họa) |
Tại Việt Nam, trong Điều 1 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 qui định thì Bạo lực gia đình là: “Hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”.
Theo những con số đã được thống kê và công bố của các ngành chức năng, có tới 58% phụ nữ cho biết họ đã từng phải chịu ít nhất một trong 3 hình thức bạo hành trong đời, gồm: Thể chất, tinh thần, tình dục. Tuy nhiên, bên cạnh những hình thức bạo hành thường diễn ra khá phổ biến nói trên thì vẫn còn một loại bạo hành khác đáng lo ngại và đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay- chính là bạo hành về kinh tế.
Cụ thể, trong một cuộc điều tra của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam từng tiến hành cho thấy tình trạng bạo lực gia đình vẫn đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, thậm chí còn có xu hướng gia tăng. Đối với phụ nữ, tỷ lệ từng bị bạo lực về tinh thần là 47,2%; bạo lực về thể chất chiếm 7,3%; bạo lực về tình dục 4,2%; bạo lực về kinh tế là 1,8%.
Mặc dù được ít người biết tới cũng như có tỷ lệ không cao bằng các loại bạo lực còn lại, thế nhưng, bạo hành về kinh tế lại đang gây ra nhiều ảnh hưởng xấu, tác động nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tinh thần của nhiều người; đặc biệt là những người phụ nữ trong gia đình.
Bạo hành kinh tế hay bạo lực về kinh tế là một dạng bạo hành không nhìn thấy được. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết nạn nhân của dạng bạo hành này thường là phụ nữ.
Cụ thể, đó là hành vi khi người chồng trong gia đình từ chối đưa tiền hoặc đóng góp tài chính cho vợ như một hình phạt; chối bỏ quyền lao động của người phụ nữ trong gia đình; quản lý chặt chẽ toàn bộ thu nhập của phụ nữ; sử dụng tiền hoặc vật chất để kiểm soát phụ nữ; từ chối kiếm sống, từ chối làm việc nhà vì các tệ nạn như bài bạc, ma túy, rượu chè… hoặc những lý do khác.
Đối với hành vi ngược đãi, có thể là việc cắt giảm quá mức nguồn chi phí tiêu dùng phục vụ cho những sinh hoạt trong gia đình; hoặc ngăn cản người trong gia đình có việc làm và thu nhập ổn định. Mặt khác, nếu xem xét hay có sự so sánh về mặt thời gian lao động, cường độ lao động và hình thức lao động của cả hai giới trong cùng gia đình sẽ thấy thông thường phụ nữ chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều so với nam giới.
Hậu quả để lại của dạng bạo hành này là người phụ nữ hoặc trẻ em gái thường sẽ phải tự làm mọi việc trong gia đình cho đến kiệt sức mà không được có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí, học tập hay theo đuổi sự nghiệp… Thậm chí, họ sẽ còn phải chịu đựng những tổn thương không hề nhỏ về mặt tinh thần.
Trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã có quy định rõ rằng lao động nội trợ cũng được xem là lao động có thu nhập khi xác định tài sản chung hôn nhân. Như vậy, dù người vợ hoặc chồng tuy không đi làm để tạo ra thu nhập trực tiếp nhưng vẫn là người có quyền đối với tài sản chung của vợ chồng.
Do đó, việc người chồng phong tỏa, cấm vận tài chính mỗi khi xảy ra mâu thuẫn trong gia đình, gây nên tình trạng người vợ phải phụ thuộc tài chính thì đây là nhóm hành vi bạo lực kinh tế và bị pháp luật nghiêm cấm.
Cụ thể, Tại Điều 56 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình đã nêu rõ đối với hành vi bạo lực về kinh tế được xử lý như sau:
Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng;
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại hoặc làm những công việc khác trái với quy định của pháp luật về lao động; ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Ngoài ra, mức xử phạt hành chính này còn là một trong những căn cứ để tiến hành xem xét và xử lý hình sự đối với những người cố tình tái phạm, gây hậu quả nghiêm trọng đối với nạn nhân.
Bạo lực gia đình xảy ra giữa vợ và chồng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, đối với những gia đình trẻ thường sẽ có nguy cơ cao hơn vì đa phần các bạn trẻ chưa được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm để có thể nhanh chóng thích nghi với cuộc sống chung cũng như hình thành ý thức có trách nhiệm với gia đình. Do vậy, điểm mấu chốt để có thể ngăn ngừa các mâu thuẫn trở thành bạo lực đó là những người trong cuộc cần thiết phải có sự thấu hiểu, thông cảm, lắng nghe, nhường nhịn nhau cũng như có thái độ kiên quyết phản đối những hành vi bạo lực. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhờ vào sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời của những người thân trong gia đình, hàng xóm, bạn bè cùng chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Tâm An