Thứ bảy, 10/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Bạo lực gia đình và những hậu quả xấu
09:27 - 26/10/2020
(Cổng ĐT HND)- Gần đây, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn tồn tại và diễn ra phức tạp dưới nhiều hình thức, trực tiếp hay gián tiếp tác động làm ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.
Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả, trong đó phụ nữ là nạn nhân chính (Ảnh minh họa)


BLGĐ chia thành 4 nhóm chủ yếu sau: Bạo lực về thể chất là hành vi ngược đãi, đánh đập thành viên gia đình, làm tổn thương tới sức khỏe, tính mạng của họ; bạo lực về tinh thần là những lời nói, thái độ, hành vi làm tổn thương tới danh dự, nhân phẩm, tâm lý của thành viên gia đình; bạo lực về kinh tế là hành vi xâm phạm tới các quyền lợi về kinh tế của thành viên gia đình (quyền sở hữu tài sản, quyền tự do lao động…); bạo lực về tình dục là tất cả các hành vi mang tính chất cưỡng ép trong các quan hệ tình dục giữa các thành viên gia đình, kể cả việc cưỡng ép sinh con.
 
 
Các dạng bạo lực trong gia đình gồm: Bạo lực giữa người chồng đối với người vợ trong gia đình là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình (chiếm 70%); hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng thường biểu hiện ở những lời lẽ chửi bới, những cách ứng xử thô bạo, thậm chí đánh đập chồng, quản lý thời gian và tiền bạc quá chặt chẽ, cấm vận về tình dục với chồng… gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng; bạo lực giữa cha mẹ và con cái xuất phát từ cái quan niệm gọi là “Yêu cho roi cho vọt – Ghét cho ngọt cho bùi”, cần phải nghiêm khắc với con; BLGĐ từ người con đối với cha mẹ, đây là hành vi bất hiếu, đi ngược lại đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình như anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản, chị em mắng chửi, nói xấu nhau….
 
 
Đơn cử như sự việc của chị Nguyễn Thị Ng. ở huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) bị chồng bạo hành phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, tinh thần hoảng loạn khiến cho gia đình, người thân của chị vô cùng bàng hoàng, phẫn nộ. Chồng chị vì những áp lực kinh tế gia đình, công việc sinh ra nóng nảy, thường có những suy nghĩ ghen tuông vô cớ, từ đó, hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn thường xuyên. Ban đầu, vợ chồng chỉ cãi nhau, nhưng về sau, chị Ng. còn phải chịu những trận đòn vô cớ từ chồng, do cam chịu, không dám lên tiếng dẫn đến hậu quả chị phải nhập viện.
 
 
Bạo lực gia đình gây ra nhiều hậu quả, trong đó phụ nữ là nạn nhân chính của BLGĐ. Có thể kể đến một số mặt như:
 
 
– Về sức khỏe thể chất: Sức khỏe bị hủy hoại, bị gây thương tích và đau đớn, có thể gây tàn tật suốt đời và dẫn đến tử vong.
 
 
– Về sức khỏe tinh thần: Luôn bị ám ảnh bởi bạo lực, chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, hoang mang, trầm cảm, đôi khi cảm thấy cuộc sống nặng nề và tuyệt vọng.
 
 
– Về sức khỏe tình dục: Mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh phụ khoa, các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, HIV,…
 
 
Hậu quả còn xảy ra đối với người gây ra BLGĐ như: Phá hỏng mối quan hệ gia đình, bị người khác khinh thường, ghét bỏ; bị nhắc nhở, phạt hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng với nạn nhân.
 
 
Đáng chú ý, trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là lứa tuổi chưa nhận thức đúng đắn được hành vi đúng sai cũng như chưa hoàn thiện về mặt tâm sinh lý. Khi các em chứng kiến hay hứng chịu BLGĐ sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sự hình thành nhân cách, trở nên lì lợm, phá phách, bỏ học… chơi với bạn xấu, nguy cơ dấn thân vào con đường phạm tội là rất lớn.
 
 
Theo số liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (Unicef) cung cấp cho thấy, khoảng 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực ngay tại nhà. Do đó, Việt Nam đang xếp thứ 27/75 trong số các quốc gia xảy ra những vấn đề về bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
 
 
Khác với các loại hình tội phạm khác, đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em chủ yếu thường là người thân, quen. Cụ thể, có khoảng 21,3% đối tượng vi phạm là bố đẻ, bố dượng, anh, em họ hàng; 6,2% là thầy giáo, nhân viên nhà trường; 59,9% là người quen, hàng xóm…
 
 
Trong thời gian dịch COVID-19, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã tiến hành khảo sát nhanh ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến trẻ em trong 15 ngày (từ ngày 15 đến 30/4/2020), thông qua một bộ câu hỏi dành cho trẻ em dưới 18 tuổi ở miền Bắc, Trung, Nam và người chăm sóc trẻ. Với trên 2.700 bản trả lời đã cho kết quả: Thời kỳ này, 60% trẻ gặp phải những khó khăn, áp lực trong việc học tập; 42% trẻ chưa có kiến thức hoặc chưa thành thạo các kỹ năng sử dụng internet an toàn; 48% trẻ tham gia khảo sát cho biết gặp áp lực do bị mắng và khoảng 8% bị đánh; 32,5% trẻ em cảm thấy bố mẹ không gần gũi, quan tâm.
 
 
Đồng thời, BLGĐ còn gây thiệt hại về kinh tế gia đình, hạnh phúc tan vỡ, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình và tương lai của con cái sau này. Thống kê đã có gần 80% số vụ ly hôn hàng năm mà nguyên nhân từ BLGĐ.
 
 
Đối với cộng đồng xã hội, BLGĐ gây mất trật tự xã hội, là mầm mống phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội, giảm sút nguồn lao động, cản trở sự phát triển và tiến bộ xã hội. Những hậu quả này chất thêm gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia. Bởi lẽ, các phụ nữ bị bạo hành gia đình phải cần đến các dịch vụ chăm sóc y tế cao hơn nhiều so với phụ nữ bình thường.
 
 
Điều đáng nói, có tới 1/3 số gia đình mỗi khi xảy ra vấn đề BLGĐ thường không biết xử lý ra sao. Khoảng 25% số gia đình khi được hỏi cho rằng, BLGĐ là việc riêng của mỗi nhà, hàng xóm không nên can dự vào. Có thể thấy, nhiều người vẫn còn nặng tư tưởng “việc nhà đóng cửa bảo nhau” nên cam chịu, không tố cáo hành vi BLGĐ làm cho vấn nạn càng gia tăng. Những nạn nhân này không lường trước được hậu quả của việc im lặng, chịu đựng những lần bạo hành sẽ lớn như thế nào. Nó không chỉ đem đến hậu quả về mặt thể chất (bị mất khả năng lao động, thương tật hay tử vong) mà còn để lại hệ quả nặng nề về mặt tinh thần cho cả người bị bạo hành và người thân của họ như con cái, cha mẹ.
 
 
Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc (United Nations Vietnam), con cái của các nạn nhân BLGĐ cũng phải gánh chịu các hậu quả tiêu cực về sức khỏe; chẳng hạn, trẻ có xu hướng gặp phải các vấn đề về hành vi. Hơn 25% phụ nữ đã từng bị chồng bạo lực cho biết con cái họ thường xuyên gặp ác mộng và rất rụt rè hoặc dễ bị kích động so với gần 15% phụ nữ không bị chồng bạo lực. Hơn nữa, dường như phụ nữ từng bị chồng bạo hành cho biết con cái họ có xu hướng bỏ học hoặc lưu ban cao hơn. Trẻ em phải chứng kiến hay bị bạo hành tại gia đình có nguy cơ cao sẽ tiếp tục bị bạo hành hoặc gây ra bạo hành khi lớn lên.
 
 
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành gia đình. Nguyên nhân chủ yếu đến từ thói gia trưởng của người đàn ông trong gia đình khi chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng trọng nam khinh nữ đã tồn tại bao đời nay trong xã hội. Người phụ nữ bị đối xử bất công, bị đánh đập và chà đạp về nhân phẩm đã tạo ra sự bất bình đẳng giới rất lớn trong gia đình và xã hội. Những nguyên nhân khác đến từ thói quen của người chồng (rượu chè, ngoại tình, ghen tuông…) cũng làm cho nạn BLGĐ trở nên phổ biến. Đặc biệt là nguyên nhân đến từ chính người phụ nữ, người bị bạo hành trong gia đình, họ trở nên an phận bởi sự gia trưởng của chồng. Họ không dám đứng lên phản ánh, tố giác chỉ vì muốn giữ thể diện cho gia đình và vì tương lai của con cái. Như vậy, chính những định kiến xã hội cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng BLGĐ.
 
 
Để đẩy lùi nạn BLGĐ, chúng ta cần có những giải pháp cụ thể để tiến hành một cách có hiệu quả. Trước mắt, cần thay đổi nhận thức về bình đẳng giới cho cả nam giới và phụ nữ, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình của phụ nữ hay những người bị bạo hành.
 
 
Đồng thời, phòng chống bạo hành gia đình phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, song lấy phòng ngừa là chính. Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ đến năm 2020, quyết định lấy tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ. Do vậy, cần chú trọng trước hết là công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình và làm tốt công tác tư vấn hòa giải. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những vụ việc BLGĐ theo quy định của pháp luật để nâng cao tính phòng ngừa, răn đe.

Hoàng Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá