 |
Các gia đình hay dòng họ từ xưa và thậm chí cả ngày nay vẫn có tư tưởng coi trọng việc phải sinh con trai (Ảnh minh họa). |
Theo đó, các gia đình hay dòng họ từ xưa và thậm chí cả ngày nay vẫn có tư tưởng coi trọng việc phải sinh con trai. Nếu không có con trai nối dõi dễ bị xem là tuyệt tự; khi bố mẹ hoặc ông bà chết đi sẽ không có người thờ cúng. Thế nên, phần lớn các gia đình hiện nay vẫn phải cố đẻ cho được con trai.
Còn có lý do nữa khiến một bộ phận trong xã hội không muốn sinh con gái là vì họ nghĩ "sinh con gái sau này khổ". Lúc nhỏ đã khổ do bố mẹ lo lắng vì nguy cơ bị ăn hiếp, biến thái, bắt nạt rất cao; đến tuổi yêu đương cũng khổ, yêu một người thì dễ, dứt ra khỏi mối tình đó thì khó. Thậm chí, đến lúc lấy chồng, gặp chồng tử tế thì ít mà gặp vũ phu thì nhiều, khổ nhiều thì lại chạy về nhà than thở với cha mẹ…
Ngoài ra, ở châu Á thường con sẽ mang họ cha nên xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính rất nặng nề.
Bên cạnh đó, luật pháp, chính sách an sinh xã hội của nước ta vẫn còn dựa rất nhiều trên những thực hành truyền thống (bố mẹ già phải sống với con trai cả); mặt khác, sự hỗ trợ cho người già vẫn còn hạn chế dẫn đến việc họ phải sống phụ thuộc vào con trai. Một vấn đề nữa, việc xử phạt những cá nhân, đơn vị tiết lộ giới tính thai nhi cũng còn nan giải, bởi lẽ, họ có rất nhiều cách “lách luật” để thông báo “ngầm” về giới tính thai nhi mà cơ quan chức năng rất khó có thể kiểm tra và xử phạt.
Trên thực tế, những vụ bạo lực trong mỗi gia đình có liên quan đến việc phải đẻ con trai vẫn đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại nhiều nơi trên khắp cả nước. Theo đó, nhiều ông chồng suốt ngày chửi bới, mỉa mai, đánh đập vợ về việc không sinh được con trai. Rồi những người vợ phải chịu muôn vàn áp lực từ phía chồng cũng như gia đình nhà chồng như: Phải đồng ý cho người chồng đi “tìm kiếm” con trai chỗ này, chỗ kia; phải ly dị để cho anh chồng đi lấy người vợ khác hoặc chịu đựng việc chồng ngang nhiên đi cặp bồ để có con trai.
Đáng sợ hơn, việc gây sức ép để người vợ phải mang thai rồi phá thai nhiều lần cho đến khi nào đẻ được con trai thì thôi là một trong những dạng bạo lực gia đình khủng khiếp nhất. Điều này làm tổn hại rất lớn đến sức khỏe cả về thể chất, tinh thần lẫn tâm lý, tình cảm của người phụ nữ.
Một trong những chỉ số quan trọng được Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra trong cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là Tỷ số giới tính khi sinh - SRB (chỉ số SRB phản ánh cân bằng giới tính của số bé trai và bé gái khi được sinh ra; tỷ số này thông thường là 104-106 bé trai/100 bé gái sinh ra sống).
Tuy nhiên, SRB của Việt Nam có xu hướng tăng hơn so với mức sinh học tự nhiên kể từ năm 2006 đến nay đã đưa ra bằng chứng về việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong đó, SRB năm 2019 giảm so với năm 2018 nhưng vẫn ở mức cao (năm 2018: 114,8 bé trai/100 bé gái; năm 2019: 111,5 bé trai/100 bé gái).
Kết quả điều tra cho thấy, SRB của khu vực thành thị thấp hơn nông thôn, tương ứng là 110,8 và 111,8 bé trai/100 bé gái. SRB giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể, SRB cao nhất ở đồng bằng sông Hồng (115,5 bé trai/100 bé gái) và thấp nhất ở đồng bằng sông Cửu Long (106,9 bé trai/100 bé gái). Sự khác biệt của SRB giữa khu vực thành thị và nông thôn thuộc đồng bằng sông Hồng hiện cũng cao nhất cả nước.
10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất hiện nay gồm: Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi. Trong số này, có địa phương tỷ số giới tính khi sinh lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.
Hà Nội cũng nằm trong top những địa phương có tỷ lệ sinh con trai cao. Mặc dù đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội vẫn ở mức 114 trẻ trai/100 trẻ gái. Ở một số quận, huyện, con số này đã lên đến 120 trẻ trai/100 trẻ gái.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam chủ yếu do một số nguyên nhân như: Sự ưa thích sinh con trai trong bối cảnh giảm sinh; lựa chọn giới tính trước khi sinh...
Trong đó, việc lựa chọn giới tính trước khi sinh phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới sâu sắc. Các nghiên cứu của quốc tế và Việt Nam đã chỉ ra những hệ lụy ảnh hưởng tới cấu trúc gia đình và các vấn đề xã hội, đó là tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái ở nhiều quốc gia sẽ dẫn đến việc thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai.
Do đó, nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với tỷ lệ nữ giới trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Trì hoãn hôn nhân trong nam giới hoặc gia tăng tỷ lệ sống độc thân là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai do tình trạng thiếu phụ nữ ở độ tuổi kết hôn. Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai.
Trước thực trạng trên, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã rất quan tâm đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Tại Hội nghị lần thứ sáu, Khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ “Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng” và đặt mục tiêu “đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”; “Đến năm 2030: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”. Chỉ đạo của Đảng về mục tiêu đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên đã được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện thông qua Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Hiện nay, nền văn minh nhân loại đang hướng tới bình đẳng nam - nữ với sự đề cao quyền bình đẳng trong xã hội của nữ giới tương đương nam giới. Theo Liên Hợp Quốc, bình đẳng giới nghĩa là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người. Thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như: Quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái…
Thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, ban ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thay đổi nhận thức của người dân, làm cho họ hiểu con gái cũng có thể thờ cúng tổ tiên, nối dõi tông đường. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào các hoạt động của xã hội nhiều hơn, để các gia đình thấy được đẻ con gái cũng vẻ vang, tuyệt vời như đẻ con trai, thậm chí còn hơn đẻ con trai. Ngoài ra, cần xây dựng các chương trình truyền thông, khung pháp lý thực sự đi sâu vào cuộc sống của người dân.