Chủ nhật, 11/06/2023 (GMT+7)
Giá nông sản
Chung tay giảm thiểu bạo lực để giữ gìn hạnh phúc gia đình
15:00 - 18/09/2020
(Cổng ĐT HND) – Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) đã và đang trở thành một vấn đề nóng, gây nhức nhối trong toàn xã hội. Các vụ bạo hành không những đã trực tiếp làm ảnh hưởng và gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, thể chất của các nạn nhân mà còn có tác động rất lớn đến cả danh dự, nhân phẩm, tinh thần của con người... Đối tượng của BLGĐ chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái.

Pa-no tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc (Ảnh minh họa)

 
BLGĐ đã và đang làm xói mòn đi các giá trị cùng những chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Không những thế, nó còn phá vỡ kết cấu bền vững của các gia đình; làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khắp các địa phương trong cả nước.

 
Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước cùng các ngành chức năng đã có sự quan tâm khá nhiều tới việc phòng, chống BLGĐ. Đồng thời, cho ban hành hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh hành vi cùng các chế tài để xử lí về lĩnh vực này, song tình trạng BLGĐ vẫn đang còn rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn.

 
Có thể thấy, chưa bao giờ tình trạng BLGĐ lại diễn ra với mức độ khủng khiếp đến thế. Đối tượng phải gánh chịu từ phụ nữ, trẻ em cho đến những người già. BLGĐ diễn ra ở cả phương diện tinh thần lẫn thể xác của các nạn nhân, với những mức độ khác nhau. Nhẹ thì mắng chửi, nạn nhân bị đẩy ra đường; nặng hơn thì bị đánh đập, bị hành hạ, thậm chí có thể dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.

 
Tại Việt Nam, có 58% phụ nữ kết hôn cho biết họ đã từng chịu ít nhất 1 hình thức bạo lực trong cuộc đời; 64% phụ nữ trong độ tuổi từ 15- 49 nghĩ rằng nam giới bạo lực với phụ nữ là điều “bình thường”. Đáng buồn là có tới 87% số nạn nhân bị bạo lực nhưng không tìm đến sự hỗ trợ; 60% thủ phạm của các vụ giết người là do chính người trong gia đình gây ra; gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ BLGĐ…

 
Thậm chí, cấp độ nguy hiểm của các vụ việc BLGĐ cũng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Theo những con số chưa đầy đủ, bình quân mỗi ngày, cả nước có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ; khoảng 2- 3 ngày lại có một vụ án mạng liên quan đến BLGĐ.

 
Đáng chú ý, thống kê nhanh của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), chỉ tính riêng trong quãng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 vào thời điểm đầu năm 2020, khi cả nước còn đang phải thực hiện việc cách ly xã hội thì những vụ việc BLGĐ vẫn xảy ra một cách thường xuyên.

 
Cụ thể, tổng đài ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã tiếp nhận 347 cuộc gọi của những phụ nữ cần tới sự hỗ trợ (tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2019); phòng tham vấn tiếp nhận 511 người tìm đến để được hỗ trợ tham vấn trực tiếp (tăng 48%). Thậm chí, đã có 72 phụ nữ phải tìm đến xin lánh nạn ở các mô hình "ngôi nhà bình yên" được đặt tại thành phố Hà Nội và thành phố Cần Thơ trong thời gian này (tăng 80% so với cùng kỳ năm 2019).
 

Thông qua cuộc điều tra mà Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tiến hành cho thấy: Nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu làm nảy sinh hành vi bạo lực giữa vợ - chồng là do người chồng nghiện rượu, say rượu (chiếm khoảng 60%). Những gia đình này thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu sự hiểu biết về pháp luật, không có công việc ổn định.

 
Không những thế, tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước cũng đã xuất hiện thêm tình trạng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng. Được biểu hiện cụ thể ở những hành vi như: Chửi bới; ứng xử thô bạo; gây tổn thương về thể chất và tinh thần, thậm chí là tước đoạt cả tính mạng của người chồng.

 
Thêm một vấn đề nữa rất đáng lo lắng trong thời gian gần đây là sự gia tăng bạo lực giữa cha mẹ với con cái và ngược lại.

 
Theo tâm lý và truyền thống đạo đức của người Việt, việc dạy bảo con cái thường xuất phát từ quan niệm “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Do đó, có không ít ông bố, bà mẹ vẫn còn cho rằng việc đánh đập, chửi mắng, thậm chí xỉ vả con cái khi có lỗi là điều cần thiết. Họ suy nghĩ đơn giản rằng đây chính là cách để giúp con cái nhận ra sai lầm của mình và có ý thức để sửa chữa.

 
Tuy nhiên, chính vì việc thiếu hẳn sự hiểu biết trong các kiến thức pháp luật và kỹ năng giáo dục con cái một cách văn minh, hiệu quả đã khiến cho các bậc làm cha mẹ mắc phải sai lầm lớn. Vì trong một xã hội hiện đại, tất cả những trường hợp bạo lực với con cái, nếu như vượt ra ngoài phạm vi giáo dục thì chắc chắn sẽ bị pháp luật điều chỉnh nghiêm khắc.

 
Bên cạnh những hành vi không đúng từ phía cha mẹ đối với con cái thì tình trạng BLGĐ xuất phát từ những đứa con đối xử với cha mẹ mình cũng đang ngày càng gia tăng. Trong một số trường hợp, người trẻ tuổi đã gây ra những tổn thương cả về thể chất và tinh thần đối với cha mẹ của mình. Hiện tượng này cho thấy đang có sự xuống cấp về đạo đức một cách nghiêm trọng trong bộ phận giới trẻ bây giờ, bởi nó đã hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống đạo đức của dân tộc ta vốn rất đề cao và xem trọng chữ “Hiếu”. 

 
Điều đáng phải suy nghĩ đối với tất cả xã hội hiện nay đó là mặc dù vấn nạn này đã xảy ra từ khá nhiều năm trở lại đây nhưng có tới 1/3 số gia đình mà mỗi khi xảy ra các vấn đề BLGĐ thường lại không biết mình cần phải làm gì. Ngoài ra, có khoảng 25% các gia đình khác cho rằng BLGĐ là việc riêng của hàng xóm, vì thế không nên can dự vào do sợ phiền hà, liên lụy, rắc rối…

 
Bên cạnh đó, ngay chính các nạn nhân là người trực tiếp phải hứng chịu sự đánh đập, bạo hành cũng không dám dũng cảm lên tiếng tố cáo. Thông thường, họ cứ nhẫn nhịn chịu đựng hết ngày này sang ngày khác, năm này qua năm khác cho đến lúc bị dồn vào đường cùng mới yếu ớt tìm cách để phản kháng. Lúc này thì thường đã là quá muộn, vì rất có khả năng đã xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

 
Để lý giải cho việc mặc dù hiện nay, nhận thức của nhiều người dân trong xã hội đã gia tăng nhưng tình trạng BLGĐ vẫn còn tiếp diễn, các chuyên gia tâm lý đã chỉ ra rằng: Nguyên nhân chính là do chúng ta vẫn chưa thể xóa bỏ được hoàn toàn tư tưởng bất bình đẳng giới; nghĩa là đàn ông được quyền đàn áp phụ nữ theo cách nghĩ đang “dạy vợ”.


Thậm chí, ngay chính các bà vợ nhiều khi cũng vẫn chấp nhận việc bị chồng mình “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”, cứ cắn răng chịu đựng mãi và lâu dần trở thành tâm lý bị khuất phục. Đó là do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, người vợ bị đánh cũng chỉ muốn “đóng cửa bảo nhau” cho êm ấm gia đình chứ không muốn làm to chuyện bởi “xấu chàng thì hổ ai”…

 
Hiện nay, nước ta đang có hàng chục Luật với các điều khoản, quy định nhằm ngăn cấm, định tội cho hành vi BLGĐ như: Luật Phòng chống BLGĐ; Luật Hôn nhân gia đình; Luật Bình đẳng giới; Bộ luật Hình sự…

 
Đồng thời, thống kê tại 61/63 tỉnh, thành phố hiện có khoảng 74,85% xã, phường, thị trấn đã triển khai các mô hình phòng, chống BLGĐ. Các mô hình đều đang có những đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống BLGĐ cũng như thực hiện kịp thời việc can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngay tại cộng đồng.

 
Tuy nhiên, để các Luật này đi được vào cuộc sống thì trong thực tế vẫn còn đang có rất nhiều hạn chế, vướng mắc. Thêm vào đó, việc xử phạt đối với các hành vi BLGĐ chưa nghiêm minh; đa số các vụ việc thường được các cấp chính quyền tổ chức hòa giải là chủ yếu chứ chưa được giải quyết một cách nghiêm khắc và dứt điểm. Thực tế cũng đã chứng minh rằng nếu như chỉ dừng ở mức độ hòa giải thì sẽ không bao giờ dập tắt được bạo lực.

 
Để ngăn chặn những vụ việc BLGĐ do đó rất cần có sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội. Nói cách khác, phòng chống BLGĐ phải kết hợp đồng bộ với nhiều giải pháp, tuy nhiên cần lấy phòng ngừa là chính.

 
Trước mắt, các cấp, các ngành cần quan tâm, chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình; đồng thời thực hiện tốt công tác tư vấn, hòa giải. Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tại các địa phương cần phát huy tinh thần cảnh giác của người dân, kịp thời phát hiện, tố giác và xử lý nghiêm minh những vụ việc BLGĐ theo các quy định của pháp luật. Để hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội văn minh- gia đình hạnh phúc cần có sự chung tay, đoàn kết để công tác phòng, chống BLGĐ thực sự đạt hiệu quả.


 

Thanh Tâm
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email
Chương trình gặp gỡ hữu nghị nông dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia gắn với Hội chợ nông sản sạch

Bài đọc nhiều nhất

Tỷ giá

Giá vàng (ĐVT: tr đồng/lượng)
Loại
Mua vào
Bán ra
Tỷ giá