 |
Trẻ em non nớt về thể chất lẫn tinh thần nên cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ |
Gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ.
Đây không còn là một vấn đề của riêng từng gia đình mà đã trở thành vấn nạn của xã hội. Trẻ em non nớt cả về thể chất lẫn tinh thần, rất cần được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ song thực tế diễn ra lại không như vậy.
Theo thống kê, hiện, cả nước có hơn 25 triệu trẻ em, chiếm 29% tổng dân số; trong đó, có hơn 1,4 triệu em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 1,2 triệu em bị khuyết tật…
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại đó là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em vẫn đang diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề bức xúc cho xã hội.
Điều khiến chúng ta sửng sốt đó là nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, mẹ hay những người thân thích, ruột thịt trong gia đình gây ra.
Nặng nề hơn là dùng vũ lực đòn roi, thậm chí là các biện pháp dã man, tra tấn tựa thời trung cổ với các vật dụng nguy hiểm như: Nước sôi, roi sắt, xích cùm…
Theo các chuyên gia nhận định, tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đã gây thiệt hại lớn cho xã hội và sự phát triển chung của đất nước.
Gánh nặng của nạn bạo lực xâm hại trẻ em, (đặc biệt là về sức khỏe hoặc các hành vi gây nguy hại trực tiếp cho sức khỏe) ước tính đã làm thiệt hại khoảng 209 tỷ USD, chiếm gần 2% GDP trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Việc phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em; đặc biệt là xâm hại về tình dục là vấn đề cấp thiết, cần có sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các cơ quan tư pháp cần phải thực hiện tốt chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Hơn lúc nào hết, vai trò và giá trị của gia đình ngày càng trở nên đặc biệt quan trọng. Đây chính là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người.
Mỗi thành viên trong gia đình, nhất là người làm cha, mẹ cần trang bị kiến thức cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu mình những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong việc nhận diện, phòng, chống các hành vi xâm hại, bạo hành...
Để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình cần nâng cao nhận thức của cả xã hội; tăng cường trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng về hậu quả của bạo lực đối với trẻ em.
Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, chú trọng việc hỗ trợ, cung cấp kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ, người chăm sóc và gia đình.
Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường – gia đình – xã hội trong việc quản lý, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Cha mẹ phải là tấm gương tốt để con cái noi theo, có trách nhiệm với con cái.
Chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo cho trẻ em. Đặc biệt, cộng đồng không vô cảm trước những nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực; tổ chức truyền thông tại cộng đồng nhằm giải quyết vấn đề bạo lực trẻ em và không để trẻ em phải gánh chịu những hậu quả nặng nề do bạo lực gây ra.