image banner
Bình Thuận: Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả từ phong trào nông dân SXKD giỏi
Lượt xem: 1303
(Cổng ĐT HND)- Những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới được Hội ND các cấp chú trọng triển khai sâu rộng. Từ đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Anh-tin-bai

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình, cá nhân làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ...

 

Tại huyện Tánh Linh, Hội ND huyện đã tập trung vào hoạt động phối hợp dạy nghề, đào tạo nghề nông dân nông thôn gắn với tạo việc làm, tư vấn phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo vốn cho nông dân… Qua bình xét giai đoạn 5 năm (2017 – 2022), toàn huyện có 6.989 hộ đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” các cấp. Trong đó cấp Trung ương 25 hộ, cấp tỉnh 292 hộ, cấp huyện 821 hộ, cấp xã 5.851 hộ. Những mô hình sản xuất hiệu quả với thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng đang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn huyện.

 

Tiêu biểu như hộ ông Trương Khắc Dũng ở thôn 3, xã Đồng Kho (huyện Tánh Linh) hiện có tổng diện tích sản xuất canh tác 16 ha, trong đó 12 ha chuyên trồng lúa chất lượng cao, 2 ha trồng cây cao su, 2 ha trồng cây điều ghép. Từ khi Hội ND phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau giảm nghèo bền vững, ông Dũng đã chủ động tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả để áp dụng vào mô hình của gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, thu nhập hàng năm của gia đình ông Dũng đạt từ 700 – 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 7 người, vào mùa vụ là 10 người tại địa phương với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, gia đình ông Dũng còn đầu tư máy móc như máy cày, máy xới, máy gặt để thực hiện dịch vụ sản xuất cho bà con nông dân ở địa phương và cho thu nhập sau khi trừ chi phí khoảng 250 - 300 triệu đồng/năm.

 

Hay hộ bà Nguyễn Thị Hà - thôn 1, xã Măng Tố với mô hình mây tre đan mỹ nghệ, nhận gia công đan lát các sản phẩm mỹ nghệ bằng vật liệu như: Tre, song mây, bèo tây, cây chuối khô hoặc sợi nhựa. Cho đến nay Tổ mây tre đan mỹ nghệ có 112 thành viên tham gia nhận hàng để sản xuất, thu nhập bình quân từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, gia đình bà Hà còn canh tác 2 ha cao su, 2 ha điều và 0,5 ha lúa với tổng thu nhập 320 triệu đồng/năm.

 

Tại thị xã La Gi, 05 năm qua (2017-2022), bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp là 6.037 hộ, qua bình xét có 3.466 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

 

Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình, cá nhân làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ... Tiêu biểu như: Hộ ông Lê Thanh Sơn- thôn Thanh Linh, xã Tân Phước canh tác 25 ha măng tre tứ quý, 02 ha dừa xiêm, gần 01 ha ao nuôi cá nước ngọt, giải quyết việc làm cho 10 lao động, thu nhập sau khi trừ mọi chi phí đạt bình quân 41.000.000 đồng/khẩu/tháng, đạt nông dân SXKD giỏi cấp Trung ương.

 

Hay hộ ông Trương Hoài Phong, thôn Ba Đăng, xã Tân Hải nuôi 3 ao cá lóc bông/ diện tích 5000m2, trồng 1,5 ha thanh long và dịch vụ thu mua hải sản, thu nhập sau khi trừ mọi chi phí bình quân 74 triệu đồng/khẩu/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 08 lao động và cho 10 lao động theo mùa vụ; gia đình ông tham gia tốt các phong trào ở địa phương, xây dựng nông thôn mới và giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn; được TW Hội Nông dân Việt Nam bình chọn “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020”, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

 

Hộ ông Lê Văn Tho, thôn Tam Tân, xã Tân Tiến sản xuất chế biến nước mắm trên diện tích 1000m2 với 10 bể chứa, dung tích 1500m3. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn Coopmart; thu nhập sau khi trừ mọi chi phí bình quân 32 triệu đồng/khẩu/ 01 tháng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 04 lao động và 27 lao động theo thời vụ. Ông còn tham gia đóng góp các phong trào ở địa phương, giúp đỡ 11 hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, đạt danh hiệu hộ SXKG giỏi cấp Trung ương.

 

Năm 2023, cả nước có 100 nông dân xuất sắc và 63 HTX tiêu biểu được tôn vinh, riêng Bình Thuận có 01 nông dân xuất sắc và 01 HTX tiêu biểu được tôn vinh. Đó là nông dân Đinh Xuân Đào, xã Hàm Đức (huyện Hàm Thuận Bắc) và HTX thanh long Thuận Tiến, xã Hàm Liêm (huyện Hàm Thuận Bắc).

 

Mô hình sản xuất, kinh doanh của nông dân Đinh Xuân Đào là vườn trồng và mua bán thanh long. Từ năm 2018 đến nay, diện tích sản xuất thanh long 22 ha, gồm các giống thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ và thanh long tím hồng. Cơ sở thu mua thanh long được mở rộng và nâng cấp gồm xưởng đóng gói, kho lạnh bảo quản thanh long, nhà xe với diện tích 5.000m2.

 

Mô hình trồng thanh long nhà ông Đào với 34ha thanh long ứng dụng công nghệ cao có hệ thống tưới phun, nhỏ giọt, cơ giới hóa trong khâu sản xuất và thu hoạch sản phẩm. Cùng với vườn thanh long, ông Đào còn có cơ sở thu mua thanh long với quy mô hơn 5.000m2 gồm nhà xưởng đóng gói và kho lạnh bảo quản với sản lượng lên đến 2.500 tấn mỗi tháng. Từ năm 2017 đến nay, nguồn thu nhập từ trồng trọt và kinh doanh thanh long xuất khẩu mang về lợi nhuận cho ông gia đình ông Đào từ 1,2 - 1,8 tỷ đồng/năm.

 

Gia đình ông Đào đã giải quyết việc làm cho khoảng gần 200 lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Đào còn hỗ trợ 100 triệu đồng cho quỹ mua vắc - xin chung tay phòng chống dịch Covid-19; hơn 250 triệu đồng mua nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, hộ khó khăn trong vùng phong tỏa cách ly y tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, ông Đào đã ủng hộ Quỹ HTND địa phương, trao học bổng cho học sinh nghèo học giỏi; hàng năm hỗ trợ 15 hộ nghèo mỗi người 10 triệu đồng để họ có vốn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi cải thiện đời sống. Từ năm 2017 – 2021 ông đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

 

HTX thanh long Thuận Tiến hiện có 11 hộ thành viên, quy mô sản xuất vừa và lớn. Ngành nghề sản xuất, kinh doanh là sản xuất, cung cấp xuất khẩu quả thanh long tươi và dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp phục vụ cho cây thanh long. Năm 2020 HTX đạt được chứng nhận OCOP thanh long ruột trắng 4 sao và thanh long ruột đỏ 3 sao. Từ năm 2021 đến nay các thành viên HTX duy trì sản xuất theo hướng GlobalGAP, liên kết và ủy thác tiêu thụ thanh long một số HTX khác.

 

HTX còn là cầu nối cung cấp đầu vào cho 11 hộ thành viên như: Bóng đèn, dây điện, phân, thuốc... giúp họ tiêu thụ thanh long; đồng thời liên kết 4 HTX khác giúp nông dân tiêu thụ thanh long; ngoài ra HTX còn đóng góp trong công tác phòng chống dịch Covid - 19, Quỹ HTND...

 

Có thể thấy, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tác động tích cực đến tiến trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Qua đó, thể hiện được vai trò, vị trí của công tác Hội trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Văn Đồng
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 2191
  • Trong tuần: 42 262
  • Tất cả: 22528450