image banner
Bình Phước: Trên 29.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi
Lượt xem: 1655
(Cổng ĐT HND)- Năm năm qua (2018-2023), phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã thu hút hàng chục nghìn hộ gia đình nông dân trên địa bàn tỉnh tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, cơ sở và nội lực của từng gia đình. Từ phong trào, đã thành lập các câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, câu lạc bộ nông dân tỷ phú, câu lạc bộ nữ nông dân tỷ phú.
Anh-tin-bai

Chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua SXKD giỏi ngày càng nâng cao, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng.

Phong trào giúp đỡ các hộ nghèo được triển khai rộng khắp, từ hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ về vật tư cây, con giống, ngày công lao động có giá trị hàng trăm triệu đồng để giúp đỡ những người nghèo khó phát triển sản xuất. Đến nay, các cấp Hội trong tỉnh đã vận động, giúp đỡ 2.194 hộ hội viên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 1,03%.

 

Bình quân hàng năm, có trên 56.000 hộ đăng ký và trên 29.000 hộ đã đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” các cấp; 134 hộ được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua ngày càng nâng cao, nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng và có thu nhập cao hơn nhiều so với trước.

 

Nhiều mô hình nông dân tự nguyện liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng rau trong nhà lưới, trồng hoa lan, cây kiểng; mô hình nuôi heo sạch, nuôi heo rừng lai, nuôi nhím, cá lăng nha, bống tượng, cá sấu; trồng măng tây xanh... đã tạo việc làm cho nhiều lao động nông nhàn ở nông thôn.

 

Xác định hỗ trợ các điều kiện thiết yếu về vốn, khoa học - kỹ thuật, đào tạo nghề là nguồn lực quan trọng giúp hội viên nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm chi phí đầu tư trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Hội ND các cấp trong tỉnh đã tích cực vận động tăng trưởng và phát huy tốt hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, tổng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đang quản lý hơn 93 tỷ đồng, đã giải ngân cho 835 dự án với 3.275 hộ vay. Từ nguồn vốn Quỹ đã có hàng nghìn hộ hội viên, nông dân nghèo được Hội giúp đỡ vươn lên thoát nghèo và có hộ trở nên khá, giàu. Hội các cấp còn phối hợp với ngân hàng CSXH chi nhánh Bình Phước thành lập 559 Tổ Tiết kiệm và vay vốn, giải ngân cho 24.336 hộ vay, với tổng dự nợ 1.008 tỷ đồng.

 

Tiêu biểu như Hội quán cây măng cụt xã Thanh Bình (huyện Hớn Quản) - mô hình đầu tiên của huyện và tỉnh. Trong quá trình hoạt động từ tháng 5-2022 đến nay, cùng với định hướng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hội ND các cấp, nguồn vốn 300 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tạo điều kiện cho hội viên đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay, Hội quán có 11 hội viên, tăng 1 hội viên so với thời điểm ra mắt, với tổng diện tích 12 ha cây măng cụt. 

 

Cùng với việc hướng dẫn giúp đỡ cho nông dân về vốn, chuyển giao kỹ thuật… Hội ND tỉnh đã tổ chức đào tạo dạy nghề tại chỗ cho hàng nghìn nông dân nhằm nâng cao trình độ về trồng trọt, chăn nuôi và giới thiệu hàng trăm con em nông dân được vào làm việc tại các nông trường, doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, cơ sở sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

 

Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh đạt năng suất và chất lượng cao của ông Phạm Đình Thành ở khu phố 10, phường Hưng Long (thị xã Chơn Thành). Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Hội ND các cấp về cải tạo vườn, tăng hiệu quả sử dụng đất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng bưởi da xanh... hiện gia đình ông Thành đang canh tác 1,5 ha cây ăn trái (bưởi, sầu riêng) với thu nhập 600 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Bên cạnh đó, ông Thành còn hướng dẫn kỹ thuật cho hơn 20 hội viên, nông dân về kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc cây ăn trái; giúp đỡ có hiệu quả cho 15 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật để phát triển sản xuất. Ông Thành đã được Hội ND tỉnh công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm liền.

 

Ông còn tích cực tham gia các chương trình từ thiện của Hội ND như: Gây quỹ cho hộ nghèo hàng năm 3 triệu đồng; ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông nông thôn 20 triệu đồng…

 

Hay ông Nguyễn Văn Luân ở thôn Phước Thịnh, xã Bình Tân (huyện Phú Riềng) là người có hướng đi mới trong canh tác cây điều hữu cơ. Hiện gia đình ông 10 ha trồng cây điều và 8 ha trồng cây cao su.

 

Được Hội tạo điều kiện tiếp cận, học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh hại từ các hộ nông dân sản xuất giỏi và tham quan nhiều mô hình làm kinh tế hiệu quả để áp dụng và mở rộng quy mô sản xuất, ông đã quyết định canh tác theo hướng hữu cơ. Vườn điều, cao su đều sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh. Hơn mười năm qua, vườn điều canh tác theo hướng hữu cơ luôn cho năng suất cao, trung bình hơn 3 tấn/ha.

 

Ông còn mạnh dạn đầu tư làm xưởng chế biến hạt điều, lấy nguyên liệu từ nguồn cung ứng vườn điều hữu cơ của gia đình và thu mua từ bà con trồng hữu cơ trong thôn để chế biến sản phẩm hạt điều rang muối. Trừ mọi chi phí, mô hình trồng trọt và kinh doanh của gia đình ông mang lại nguồn thu hơn 1,6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 17 lao động và 8 lao động thời vụ, mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng.

 

Ông còn giúp đỡ 5 hội viên khó khăn về vốn, cây giống, vật tư nông nghiệp để phát triển sản xuất; tham gia đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, chung tay xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ xây nhà cho các hộ nghèo… trên 500 triệu đồng. Ông cũng giúp vốn cho hội viên và nhân dân trong thôn vay làm kinh tế không lấy lãi trên 450 triệu đồng. Nhiều năm liền, ông Luân vinh dự được Hội ND các cấp công nhận đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, ngành ở địa phương và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 

Các cấp Hội còn chủ động bảo lãnh, phối hợp với doanh nghiệp cung ứng 12.952 tấn phân bón, 1.698 tấn thuốc bảo vệ thực vật, 23.557 sản phẩm giống cây trồng và vật nuôi, 240 máy nông nghiệp các loại cho hội viên theo hình thức trả chậm. Đồng thời, Hội phối hợp với ngành chức năng tổ chức được 3.820 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 198.640 lượt nông dân, tập trung vào ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, phòng và trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, GlobalGap, mã số vùng trồng...

 

Các cấp Hội đã vận động hội viên giúp đỡ người nghèo khó trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương tặng cho hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, từng bước xoá nhà tranh tre, nứa lá, nhà tạm, giúp người nghèo có một mái ấm đàng hoàng hơn để an tâm lao động sản xuất ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo của tỉnh. Trong hơn 10 năm qua các cấp Hội đã vận động các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân và hội viên, nông dân quyên góp xây tặng hơn 200 căn nhà tình thương và 145 căn nhà tình nghĩa và hàng trăm căn nhà đại đoàn kết với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

 

Cùng với tổ chức Hội chợ trái cây và hàng nông sản tỉnh Bình Phước duy trì hằng năm, Hội ND tỉnh đã hỗ trợ 500 lượt nông dân giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, festival nông nghiệp, hội nghị kết nối giao thương trong và ngoài tỉnh. Hội ND tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức bình xét và công nhận 26 sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, các cấp hội đã kết nối, hỗ trợ tiêu thụ hơn 2.000 tấn nông sản cho nông dân trong và ngoài tỉnh.

 

Hội ND tỉnh đã tổ chức các chương trình tập huấn cho hội viên, HTX, nhất là đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart. Nhờ đó, nhiều nông dân, chủ cơ sở đã thuần thục các kỹ năng: Tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên sàn, theo dõi đơn hàng trên sàn Postmart, cách chụp ảnh, quay clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách tạo mã QR, lập nhật ký số để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...

 

Thời gian tới, các cấp Hội chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân liên kết phát triển sản xuất - kinh doanh hiệu quả, từng bước chuyển đổi số trong nông nghiệp, cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, cung cấp thông tin, kết nối thị trường tiêu thụ nông sản, hàng hóa, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân…

image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 2084
  • Trong tuần: 42 155
  • Tất cả: 22528343