image banner
Bình Định: Trên 650 hộ thoát nghèo nhờ phong trào nông dân thi đua SXKD giỏi
Lượt xem: 781
(Cổng ĐT HND)- Năm năm qua (2018-2022), phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nông dân SXKD giỏi là lực lượng đi đầu trong ứng dụng khoa học – công nghệ, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thúc đẩy việc thành lập, củng cố và phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay toàn tỉnh có 68.533 hộ đạt SXKD giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương 61 hộ, cấp tỉnh 1.336 hộ, cấp huyện 9.579 hộ, cấp cơ sở 57.557 hộ.


Hội ND các cấp đã có nhiều đổi mới trong nội dung, phương thức, cách thức vận động triển khai thực hiện; tập hợp, thu hút, hỗ trợ hội viên, nông dân tham gia phong trào như: Tổ chức tuyên truyền, vận động qua sinh hoạt chi, tổ Hội, các chương trình dự án, các hoạt động, sự kiện vinh danh điển hình tiên tiến; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên bản tin và website của Hội, chuyên mục “Nông dân Bình Định” trên sóng Truyền hình Bình Định; chủ động ký chương trình phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào gắn với hoạt động tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân về vốn, chuyển giao khoa học và công nghệ cao, xây dựng và nhân rộng mô hình làm ăn hiệu quả, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ nông dân tham gia các hội chợ, triển lãm, hỗ trợ nông dân tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử...
 
 
Tham gia phong trào, thu nhập và đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện, vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ngày càng rõ nét và được thực hiện hiệu quả hơn. Bình quân hàng năm, số lượng hội viên, nông dân đăng ký đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đạt trên 120.000 hộ, cuối năm bình xét có hơn 60.000 lượt hộ nông dân đạt tiêu chuẩn hộ SXKD giỏi các cấp. Đến nay toàn tỉnh có 68.533 hộ đạt SXKD giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương 61 hộ, cấp tỉnh 1.336 hộ, cấp huyện 9.579 hộ, cấp cơ sở 57.557 hộ.
 
 
Số hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 100 đến dưới 200 triệu đồng là 54.039 hộ; số hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 200 đến dưới 300 triệu đồng là 8.173 hộ; số hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 300 đến dưới 500 triệu đồng là 3.924 hộ; số hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 500 đến dưới 1 tỷ đồng là 2.356 hộ; số hộ có mức thu nhập mỗi năm từ 01 tỷ đồng trở lên là 41 hộ. Chất lượng và hiệu quả Phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện ngày càng nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
 
 
Điển hình như hộ ông Nguyễn Ngọc Sang ở xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát) với mô hình chăn nuôi tổng hợp, trừ mọi chi phí gia đình ông có thu nhập trên 3 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động.
 
 
 
 
 
Trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Trần Duy Thủy ở phường Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn), với mô hình ươm giống cây lâm nghiệp, lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho 21 lao động; hộ ông Nguyễn Xuân Ánh ở xã Cát Lâm (huyện Phù Cát) trồng rừng cũng cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.
 
 
Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tinh thần tương thân tương ái của hội viên, nông dân được phát huy tích cực. Hội viên, nông dân và các hộ đã đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ các hộ nghèo bằng nhiều hình thức. Có hộ giúp đỡ bằng cách tạo việc làm và thu nhập từ mô hình sản xuất của gia đình; có hộ thì cho mượn vốn, con giống, cây giống không tính lãi; có hộ hướng dẫn về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất... Trong 5 năm qua, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho 2.017 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3,5 - 6 triệu đồng/tháng. Có 4.123 hộ nông dân nghèo được các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hỗ trợ giúp đỡ về giống, vốn, vật tư, tiêu thụ sản phẩm... Trong đó có 660 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều hộ đã có cuộc sống ổn định và đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở trở lên.
 
 
Từ phong trào, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới; trọng tâm là vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân nhất là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tích cực tham gia xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa đem lại giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp; vận động hội viên, nông dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công xây dựng, sửa chữa kết cấu hạ tầng nông thôn, kênh mương nội đồng...
 
 
Kết quả, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đóng góp trên 169 tỷ đồng, 111.000 ngày công, hiến 443.000m2 đất; xây dựng 710 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn, 9.742 hố xử lý rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật; duy trì và nhân rộng các mô hình: “tuyến đường nông dân tự quản”, “điện sáng đường quê”... góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 
 
Từ thực tiễn, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều hộ nông dân, tổ nhóm liên kết, hợp tác cùng tạo ra sản những phẩm có chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã đi đôi với việc tạo ra những dòng sản phẩm mới thích ứng với thị trường. Nhờ đó, tạo thêm được việc làm, tăng thêm được thu nhập cho nông dân
 
 
Thời gian tới, các cấp Hội tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào theo hướng tổ chức lại sản xuất, hình thành và phát triển các mô hình liên kết sản xuất lớn, các chi, tổ Hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, xây dựng thương hiệu nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 2155
  • Trong tuần: 42 226
  • Tất cả: 22528414