image banner
Áp dụng công nghệ để nâng lợi nhuận trồng lúa đạt 35 - 40%
Lượt xem: 1809
Đồng Tháp đang phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa đạt 35 - 40%, cùng với đó ứng dụng cơ giới hóa và giảm ít nhất 30% lượng phân, thuốc hóa học.
Đến năm 2025, Đồng Tháp phải có tối thiểu 20% diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.


Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Để phát triển ngành hàng lúa gạo bền vững đến năm 2025, cần ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất, từ đó giảm giá thành, tăng năng suất và lợi nhuận cho nông dân.

Hiện Đồng Tháp có khoảng 500 ngàn ha canh tác 3 vụ lúa trong năm và đạt trên 3 triệu tấn lúa/năm. Đồng Tháp đang tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân thông qua giảm chi phí phân, thuốc, giống, nâng cao chất lượng gạo, tăng diện tích giống xác nhận, giống chất lượng cao, lúa thơm đặc sản.

Đồng Tháp phấn đấu nâng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, đạt từ 35 - 40%; giảm ít nhất 30% lượng phân bón và thuốc BVTV hóa học trong sản xuất lúa. Tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất, chuyển dần từ gieo sạ bằng công cụ sang sử dụng máy cấy lúa, đưa mức độ cơ giới hóa khâu gieo cấy bằng máy đạt 15% diện tích.

Phải có tối thiểu 20% diện tích gieo trồng lúa của toàn tỉnh sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV. Phấn đấu diện tích liên kết sản xuất lúa giống đạt hơn 5.000ha/năm, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đến năm 2025 đạt 600ha. Dự kiến đến năm 2025, có trên 42.000ha lúa được cấp mã số vùng trồng...

Empty

Dự kiến đến năm 2025, có trên 42.000ha lúa của Đồng Tháp được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp cũng đặt chỉ tiêu về xây dựng và phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số, áp dụng đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số.

 

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, để thực hiện đạt các chỉ tiêu nâng cao sản xuất lúa gạo, tỉnh còn đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có tổ chức sản xuất, đổi mới mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, phát triển kinh tế tập thể. Đẩy mạnh ứng dụng KH-CN, chuyển đổi số, thực hiện truy xuất nguồn gốc, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, phát triển nguồn nhân lực… đang được tỉnh quan tâm lên hàng đầu trong canh tác lúa.

Ngoài ra, Đồng Tháp sẽ rà soát các chính sách hiện hành có liên quan đến ngành nông nghiệp từ trung ương đến tỉnh. Từ đó đề xuất sửa đổi, điều chỉnh, thay thế, bổ sung các chính sách mới của tỉnh để hỗ trợ phát triển ngành hàng lúa gạo nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

“Trong kế hoạch phát triển ngành hàng lúa gạo của Đồng Tháp, phải trú trọng phát triển HTX hoạt động có hiệu quả, xây dựng HTX dựa trên nền tảng của hội quán vốn là thế mạnh của Đồng Tháp. Nâng tầm phát triển các hội quán thành những HTX tiêu biểu đại điện cho các hộ nông dân, phát triển năng lực của các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp gia đình kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ cho HTX, dần dần phát triển các hoạt động về phân loại, sơ chế, bảo quản và bán hàng trực tiếp.

Empty

Đồng Tháp đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số hóa dữ liệu trong canh tác lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Song song đó, xây dựng mô hình về kinh tế hợp tác dựa vào tổ chức hội quán với các chính sách thử nghiệm mang tính đột phá. Tạo điều kiện để các HTX thay thế được các trung gian của thương lái, doanh nghiệp trong việc cung cấp vật tư đầu vào và nông sản đầu ra cho nông dân, hình thành được niềm tin với khách hàng. Xây dựng mô hình gắn kết cộng đồng, HTX với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo” ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng Tháp đang ứng dụng công nghệ số hóa dữ liệu, chế độ báo cáo sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, thu thập dữ liệu trong quá trình canh tác, xem dự báo, cảnh báo và sử dụng cho việc truy xuất nguồn gốc tại HTX Mỹ Đông 2 ở huyện Tháp Mười.

Phát triển công nghệ viễn thám kết hợp với IoT mặt đất giúp theo dõi, giám sát và cảnh báo tình hình nước lũ lên, xuống giúp có kế hoạch canh tác phù hợp. Quản lý, sử dụng và tạo lập dữ liệu bản đồ chuyên ngành nông nghiệp quản lý vùng canh tác, từ đó trích xuất dữ liệu báo cáo, giám sát tình hình dịch hại và thiên địch. Bên cạnh đó, thiết bị này còn giám sát tình hình phát thải khí nhà kính, quản trị cơ sở dữ liệu lớn chuyền về chỉ dẫn địa lý của ngành nông nghiệp Đồng Tháp.


image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1