image banner
Yên Bái: Hiệu quả mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp gắn với giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu từ Chương trình FFF
Lượt xem: 133
(Cổng ĐT HND)- Năm 2023, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực phối hợp triển khai 05 dự án nhỏ được Ban Quản lý FFF Trung ương phê duyệt đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Ban quản lý Chương trình FFF tỉnh (BQL) đã hỗ trợ 04 nhóm nòng cốt tại các xã: Tân Đồng, Đào Thịnh, Thịnh Hưng, Tân Nguyên tiếp tục duy trì hoạt động tuyên truyền về chương trình FFF, các hoạt động FFF đang triển khai tại cơ sở. Đồng thời, tập huấn nông - lâm kết hợp, đa dạng hoá cây trồng/lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng và trong cảnh quan rừng keo luân canh, kết hợp tham quan mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng cho 30 đại biểu là thành viên các THT, HTX tham gia FFF.

 

BQL đã tham mưu tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh gồm đại biểu các sở, ngành cấp tỉnh, Hội ND huyện và các xã tham gia chương trình FFF nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm của hội viên, nông dân. BQL cũng tiếp tục hỗ trợ hoạt động cho 07 thúc đẩy viên, trong đó: 01 thúc đẩy viên cấp tỉnh; 02 cấp huyện; 04 cấp xã.

 

Anh-tin-bai

Các thành viên HTX quế hồi Việt Nam - xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) đã triển khai các kỹ thuật trồng quế hữu cơ để nâng cao chất lượng và uy tín cho sản phẩm, góp phần bảo tồn nguồn gen, làm thay đổi tư duy áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng và chăm sóc quế của người dân Yên Bái.

 

BQL xây dựng kế hoạch hoạt động chi tiết, tiến hành khảo sát lựa chọn các hộ tham gia mô hình sản xuất nông lâm kết hợp gắn với giảm thiểu, thích ứng và chống chịu biến đổi khí hậu; lựa chọn HTX, THT để hỗ trợ xây dựng Quỹ tín dụng xanh; tiếp tục duy trì tin bài trên Website Hội ND tỉnh.

 

BQL đã hỗ trợ Hội ND xã triển khai hoạt động khởi động dự án nhỏ “Xây dựng mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng, sản phẩm ngoài gỗ cho các hộ trồng rừng theo chứng chỉ FSC tại xã Phú Thịnh (huyện Yên Bình)” và “Thu gom chế biến phụ phẩm nông, lâm nghiệp sản xuất nguyên liệu làm viên nén và ủ phân hữu cơ trên địa bàn xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên)”. Tại xã Phú Thịnh, BQL đã tổ chức tập huấn kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho 30 hội viên, nông dân. BQL cũng tập huấn về chăn nuôi ong, gà dưới tán rừng cho 24 hội viên, nông dân; hỗ trợ xây dựng 01 mô hình nuôi ong, 01 mô hình nuôi gà theo thời vụ chăn nuôi. Còn tại xã Đào Thịnh, BQL đã hỗ trợ Hội ND triển khai hoạt động khởi động dự án; tổ chức tập huấn kỹ thuật xử lý chế, phụ phẩm nông - lâm nghiệp cho 30 hội viên, nông dân.

 

Anh-tin-bai

Tại xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên), BQL đã hỗ trợ Hội ND xã triển khai khởi động dự án nhỏ "Thu gom chế biến phụ phẩm nông, lâm nghiệp sản xuất nguyên liệu làm viên nén và ủ phân hữu cơ". 

 

BQL đã phối hợp với Viện nghiên cứu Lâm sinh tiến hành khảo sát, lựa chọn hộ tham gia xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh, nông lâm kết hợp bằng một số loại cây có giá trị kinh tế cao; phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia mô hình và hội viên, nông dân trên địa bàn xã Phú Thịnh. Trong năm, BQL đã hỗ trợ xây dựng 05 mô hình trồng gỗ lớn (tếch, vù hương, giổi, dẻ đỏ), hiện các mô hình đang phát triển tốt.

 

BQL còn phối hợp với Trung tâm nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp tiến hành thu thập thông tin, tổ chức tập huấn cho trên 200 hội viên, nông dân trên địa bàn các xã Phú Thịnh và Đại Đồng (huyện Yên Bình) về triển khai phần mềm tính trữ lượng gỗ và Cacbon (ITFC). Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Lâm sản ngoài gỗ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn cây quế trội trên địa bàn huyện Văn Yên, Trấn Yên; tổ chức Hội thảo “Quản lý và phát triển nguồn quế giống - Những cơ hội và thách thức” nhằm đề xuất các giải pháp quản lý, duy trì và nâng cao chất lượng nguồn quế giống trên địa bàn tỉnh.

 

BQL phối hợp với Ban quản lý Chương trình FFF Trung ương tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi ong mật cho 10 hội viên, nông dân của các HTX nuôi ong tham gia chương trình FFF; tham mưu cử 06 đại biểu tham gia tập huấn sử dụng công cụ kỹ thuật số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm rừng và trang trại; 04 đại biểu tham gia tập huấn tính trữ lượng Cacbon sử dụng công cụ Ex-Act trong sản xuất, kinh doanh rừng và trang trại; phối hợp tổ chức khảo sát, mở rộng địa bàn các xã tham gia Chương trình FFF II kéo dài tại xã Hồng Ca, Hưng Thịnh (huyện Trấn Yên) và xã Đại Đồng, Tân Hương (huyện Yên Bình). Ngoài ra, BQL còn tham mưu cử 02 đại biểu HTX tham gia Hội thảo quốc tế về ong và mật ong rừng Madhu Duniya 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh; cử 03 đại biểu lãnh đạo tỉnh, HTX tham gia đoàn thăm quan học tập mô hình tại Trung Quốc; cử 18 đại biểu tham gia họp lập kế hoạch chiến lược FFF giai đoạn 2024 - 2025.

 

Tiêu biểu như HTX Thịnh Phát - xã Thịnh Hưng (huyện Yên Bình) là một tổ chức sản xuất rừng và trang trại được thành lập năm 2022 với các hợp phần FFF chính gồm: Trồng rừng gỗ lớn, nuôi ong và các sản phẩm nông nghiệp khác như gà, cá, hoa quả. HTX hiện có 15 thành viên và 8 thành viên liên kết.

Anh-tin-bai

Tại HTX Thịnh Phát, ong được nuôi dưới tán rừng và tán cây ăn quả trong vườn rừng có đa dạng các loài cây lấy hoa dẫn đến đa dạng các sản phẩm mật ong.


HTX đang quản lý 50 ha rừng trồng với các loài cây chính gồm Keo, Bồ Đề, Quế và nhiều loại cây ăn quả như bưởi, mít, chanh. Ong được nuôi dưới tán rừng và tán cây ăn quả. Cây rừng, cây ăn quả cung cấp nguồn phấn, mật hoa phong phú và nơi ở an toàn cho ong, giúp giảm chi phí đầu vào, trong khi ong cũng hỗ trợ quá trình thụ phấn cho cây trồng và mùa màng, giúp cải thiện khả năng tái sản xuất và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài ra, việc nhiều loài cây có hoa còn giúp đa dạng các sản phẩm mật ong.

 

HTX sử dụng quỹ tín dụng xanh trị giá 13 triệu đồng (khoảng 500 USD) do FFF tài trợ để hỗ trợ các hộ nghèo trong sản xuất, đặc biệt trong thời gian mất mùa do rủi ro khí hậu và dịch bệnh. Đến năm 2023, 5 hộ gia đình đã được tiếp cận tín dụng xanh này và với chu kỳ luân chuyển hàng năm.

Anh-tin-bai

Các sản phẩm mật ong của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao năm 2022 giúp đảm bảo chất lượng và mở rộng thị trường cho sản phẩm mật ong. Vì vậy, doanh thu của hợp tác xã năm 2023 (gần 2 tỷ đồng) đã tăng 20% so với năm 2022.


Các thành viên HTX đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học từ các nguyên liệu tại chỗ như: Tỏi, ớt, gừng, rượu giúp duy trì độ ẩm của đất và bảo vệ môi trường. Các thành viên HTX cũng sử dụng quản lý dịch bệnh tổng hợp (IPM) để kiểm soát và quản lý dịch hại cho cây trồng, sử dụng bẫy sinh học hoặc thiên địch. Một số thành viên HTX đã áp dụng các nguyên tắc quản lý rừng bền vững cho một số diện tích trồng keo để đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) giúp nâng cao giá trị của rừng.

 

HTX đã xây dựng phòng kho đảm bảo điều kiện để bảo quản mật ong nhằm nâng cao chất lượng mật ong. Đồng thời, sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc mật ong với các thông tin về quy trình sản xuất, hệ thống chứng nhận chất lượng... Sản phẩm mật ong của HTX đã được đăng tải trên các sàn thương mại điện tử như Coopmart và các mạng xã hội Facebook, Zalo.

Anh-tin-bai

HTX đã giúp cải thiện thu nhập 10-20% cho 25 người dân địa phương thông qua việc bán sản phẩm và cung cấp lao động cho HTX.

 

Các sản phẩm mật ong của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao giúp đảm bảo chất lượng và mở rộng thị trường. Doanh thu của HTX năm 2023 đạt gần 2 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022. Ngoài ra, HTX còn giúp cải thiện thu nhập 10-20% cho 25 người dân địa phương thông qua việc bán sản phẩm và cung cấp lao động cho HTX.

 

Mô hình của HTX đã tạo động lực tăng cường công tác trồng rừng và bảo tồn đa dạng sinh học tại địa phương thông qua hoạt động nuôi ong dưới tán rừng. Đồng thời, cung cấp đa dạng hóa thu nhập cho các hộ gia đình thành viên gồm: Gỗ, mật ong, hoa quả, gà, cá.

 

Có thể khẳng định, các hoạt động của Chương trình FFF trong năm 2023 được BQL, Hội ND các cấp triển khai cơ bản phù hợp với nhu cầu thực tiễn ở địa phương, đảm bảo hiệu quả, yêu cầu của Ban quản lý FFF Trung ương và kế hoạch đã xây dựng, được Ban quản lý FFF Trung ương đánh giá cao; tác động tích cực tới nhận thức, kiến thức của hội viên, nông dân tham gia Chương trình FFF về sản xuất, kinh doanh và được nông dân đón nhận, tích cực tham gia. 

Đăng Hiểu
Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 44
  • Hôm nay: 2486
  • Trong tuần: 42 557
  • Tất cả: 22528745