image banner
Chương trình FFF giai đoạn II: Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho HTX
Lượt xem: 392
(Cổng ĐT HND)- Thông qua Chương trình FFF giai đoạn II, các cấp Hội đã trực tiếp đào tạo, tổ chức tham quan các mô hình thành công cho nông dân là thành viên HTX về phương thức làm việc theo nhóm; nâng cao năng lực cho lãnh đạo HTX về hiểu biết thị trường, kỹ năng đàm phán, quản lý rủi ro… Qua đó, giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đem lại thu nhập cao hơn cho các hội viên, nông dân tham gia HTX.
HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng – thôn Chợ Đập, xã An Bình, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) nuôi gà dưới hình thức chăn thả dưới tán rừng cây gỗ lớn giúp thời gian nuôi ngắn hơn; gà ít bệnh, lớn nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thịt gà thơm ngon, rắn chắc.


Điển hình như HTX rau an toàn tự nhiên - xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) với 30 hộ thành viên (51% nữ) chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
 
Nhận thức được việc phát triển trồng các loại rau an toàn gắn với ứng dụng công nghệ cao, HTX và hộ nông dân trên cao nguyên Mộc Châu đã đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, mua máy móc, thiết bị, hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương để sản xuất hàng trăm ha rau xanh, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ đây, các loại rau, củ, quả an toàn của Mộc Châu đã dần đi vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ cũng như các bếp ăn tập thể…
 
 
Bên cạnh đó, HTX còn tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyển giao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, giúp bà con dần chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống sang phương thức canh tác mới. Do đó, sản phẩm rau an toàn của HTX luôn có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
 
 
Được huyện chọn triển khai thí điểm mô hình đầu tiên về phát triển nông nghiệp hữu cơ với quy mô 5 ha, 16 hộ tham gia. Ban quản trị HTX xây dựng kế hoạch hằng tháng và theo từng khung thời vụ để hướng dẫn các thành viên gieo trồng, áp dụng kỹ thuật để trồng các loại rau trái vụ, tập trung cao từ tháng 4 -10 để các sản phẩm được cung ứng vào các siêu thị, nhà hàng.
 
 
Để đảm bảo cung ứng rau, củ, quả các loại ra thị trường, HTX đã có kế hoạch sản xuất và ký hợp đồng với các siêu thị như: Metro, Big C, AEON…; liên kết ký hợp đồng với một số siêu thị, bếp ăn tập thể ở Hà Nội. Trên cơ sở đó, điều phối kế hoạch sản xuất tới từng hộ thành viên về diện tích, số lượng chủng loại rau, thời gian gieo trồng lệch nhau nên luôn đủ nguồn cung cho đối tác, tránh thu hoạch dồn một lúc, đảm bảo tiêu thụ ổn định. HTX cũng thống nhất về quy trình sản xuất, các thành viên đều có sổ ghi chép ngày xuống giống, ngày phun thuốc và loại thuốc. Ngoài ra còn thành lập tổ giám sát để giám sát quy trình sản xuất của các hộ thành viên, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng.
 
Hay HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông - xã Đông Lai, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình). Đến nay, HTX có tổng diện tích 20 ha đều được chứng nhận hữu cơ, với 25 hộ thành viên tham gia. Bưởi được trồng ở nơi có môi trường đất giàu dinh dưỡng, phù hợp.
 
 
Để có những vườn bưởi sai trĩu quả, đạt tiêu chuẩn, tất cả thành viên HTX phải tham gia lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Các thành viên HTX tuyệt đối không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học EM, sử dụng đậu tương ngâm với cá tươi và ốc trong thời gian khoảng 2-3 tháng để bón cho cây. Ngoài ra, HTX ưu tiên sử dụng các loại thảo mộc thiên nhiên như gừng, ớt, tỏi, rượu ngâm để phòng trừ các loại sâu bệnh. Do vậy, quả có vị ngọt, mọng nước, mùi thơm mát, giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe, dễ bảo quản mà không cần bất kỳ hoá chất nào.
 
 
Cũng vì thế, những năm gần đây, sản phẩm bưởi Tân Đông được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Thị trường tiêu thụ bưởi của HTX chủ yếu là các đại lý, cửa hàng tiêu thụ nông sản sạch và thông qua tư thương ở các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nội, Ninh Bình… đến thu mua tại vườn. Trung bình sản phẩm bưởi Tân Đông bán với giá từ 15.000 - 25.000 đồng/quả tuỳ từng loại. Với giá bán này, mỗi hộ thành viên thu nhập từ 300 - trên 400 triệu đồng/ha sau khi đã trừ chi phí.
 
 
Để sản phẩm bưởi đỏ Tân Đông có thể đạt OCOP 3 sao, HTX không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã cho phù hợp. Nhờ sự hỗ trợ của chương trình FFF II, thành viên Ban quản lý HTX được nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, được hướng dẫn, kết nối và tìm kiếm thị trường nhằm ổn định đầu ra sản phẩm, đảm bảo đời sống cho các thành viên. Cùng với đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm thuỷ sản tỉnh cũng hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho HTX, góp phần bảo vệ thương hiệu.
 
 
Do thời tiết bất thuận, niên vụ 2021 sản lượng bưởi của HTX thất thu 50%, chỉ đạt 250 tấn, giá bán trung bình chỉ đạt 20.000 đồng/quả (năm 2020 bán giá 23.000 đồng/quả).
 
 
HTX nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao Hải Đăng – thôn Chợ Đập, xã An Bình, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) hiện có 65 thành viên, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 triệu con giống gà Lạc Thuỷ, gần 60 vạn con gà hữu cơ, khoảng 50 vạn quả trứng... Ngoài ra, HTX còn chế biến các sản phẩm từ gà như: Trứng gà muối ăn liền, ruốc gà... cung cấp cho một số cửa hàng nông sản sạch tại các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình…).
 
 
Những năm qua HTX đã tham gia vào chuỗi sản xuất gà sạch hữu cơ an toàn sinh học VietGAP, thực hiện chuỗi khép kín từ khâu sản xuất con giống đến sản xuất, chế biến gà thương phẩm đưa ra thị trường. Nhiều đàn gà được nuôi thả với mô hình nuôi gà dưới tán rừng cây gỗ lớn cùng nguồn thức ăn bằng cám thảo mộc do HTX tự sản xuất đã cho kết quả tốt với hình dáng, lông, mào đẹp hơn; thời gian nuôi ngắn hơn và đặc biệt gà ít bệnh, lớn nhanh, tiêu tốn ít thức ăn, thịt gà thơm ngon, rắn chắc.


Gà Lạc Thủy (tên gọi khác là gà ri mận tía) là giống gà bản địa của Việt Nam, có sức chịu đựng tốt, nhanh lớn, thịt thơm ngon, đặc biệt chịu đựng tốt với khí hậu thời tiết lạnh. Giống gà được Viện Chăn nuôi quốc gia phục dựng và bảo tồn thành công.
Với chất lượng đã được khẳng định, số lượng sản phẩm gà tươi Hải Đăng tiêu thụ ngày càng tăng. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ ở thị trường trong huyện, trong tỉnh mà còn có mặt trên hệ thống một số cửa hàng bán thực phẩm sạch, siêu thị tại Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình...


Từ quy mô chăn nuôi khiêm tốn chỉ vài trăm con với trên 60 hộ thành viên, đến nay, HTX Hải Đăng đã phát triển số hộ thành viên lên 87 hộ, quy mô chăn nuôi tăng lên 5.000 con. Năm 2021, sản phẩm gà tươi nguyên con Hải Đăng là 1 trong 3 sản phẩm được huyện Lạc Thuỷ lựa chọn tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh, được xếp hạng 3 sao.

 
Với giá bán gà thành phẩm ra thị trường trung bình từ 85.000 - 90.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, các hộ thành viên thu lãi từ 40 - 50 triệu đồng/1.000 con gà. Nhờ đó, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống cho các thành viên HTX và người dân tại địa phương.
 
Sản phẩm bưởi Tân Đông có giá bán từ 15.000 - 25.000 đồng/quả tuỳ từng loại, đem lại thu nhập từ 300 - trên 400 triệu đồng/ha/hộ sau khi trừ mọi chi phí.
 
 
HTX Nhung Luỹ - thôn Nà Nghè, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) lại tập trung phát triển sản xuất lạp sườn gác bếp và nhiều loại đặc sản địa phương theo hướng hữu cơ như: Bí xanh, thịt lợn, gạo nếp…, Doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
 
 
Hiện HTX có 19 thành viên chính thức với nhiều hoạt động và đem lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, để sản xuất có hiệu quả cao hơn, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết trồng nguyên liệu cho HTX với gần 100 hộ, trong đó có nhiều hộ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập.
 
 
Sản phẩm tiêu  biểu của HTX là lạp sườn, thịt hun khói được chế biến theo công thức cổ truyền của đồng bào dân tộc Tày tại Ba Bể, sử dụng nguyên liệu 100% của địa phương, có một số gia vị mang tính chất vùng miền đã tạo ra một dòng đặc sản địa phương. Đồng thời, sản phẩm đã được đăng ký an toàn vệ sinh thực phẩm, gắn mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh nên được đông đảo khách hàng biết đến.
 
 
HTX còn ký hợp đồng với 10 tổ hợp tác trồng bí xanh thơm trên địa bàn xã Địa Linh và Yến Dương thuộc huyện Ba Bể với diện tích khoảng 23 ha. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, có truy xuất nguồn gốc, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, khi đưa lên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã nhận phản hồi tích cực của người tiêu dùng... Năm 2021 là năm thắng lợi đối với HTX Nhung Lũy bởi sản phẩm bí xanh thơm vừa được mùa, được giá. Dù dịch Covid-19 ảnh hưởng tới việc bán hàng, giao hàng trực tiếp, nhưng nhờ thương mại điện tử, toàn bộ sản phẩm do HTX liên kết và hỗ trợ trồng đã được tiêu thụ hết.
 
 
Có thể khẳng định, thông qua chương trình FFF giai đoạn II, khả năng kinh doanh tiếp cận thị trường và tài chính của các HTX đều được nâng lên. Các HTX xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể, khả thi nên đã thu hút được sự tham gia của các thành viên. Ngoài ra, các HTX bước đầu đã có sản phẩm qua chế biến từ những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương để gia tăng giá trị, được thị trường ưa chuộng, dần được đưa vào các siêu thị ở nhiều tỉnh và các thành phố lớn. Đồng thời, thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các tổ chức khác phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh…

Tin cùng chuyên mục
1 2 3 4 5  ... 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 25
  • Hôm nay: 1645
  • Trong tuần: 41 716
  • Tất cả: 22527904